Ở
Việt Nam, từ lâu, các khẩu hiệu bắt đầu bằng hai chữ “nói không” đã trở
nên phổ biến: Từ “nói không với dạy thêm học thêm”, “nói không với tệ
nạn xã hội”, “nói không với phong bì”, “nói không với xả rác bữa bãi,
“nói không với mật gấu” đến “nói không với bạo lực học đường, gia đình”…
Tôi
từng dự các chiến dịch hay sự kiện truyền thông ở một số địa phương do
chính người dân ở địa phương đó thực hiện. Trong một số sự kiện, các em
học sinh có cơ hội chia sẻ những thông điệp truyền thông, thể hiện mong
ước của mình về các chủ đề như bảo vệ môi trường, hạn chế sử dụng hóa
chất… Có một điều lạ là dù tổ chức ở đâu, về chủ đề gì, thông điệp tôi
được nghe nhiều nhất là “Nói không với… ”.
Chiến
dịch với “nói không” nổi tiếng và lâu đời nhất có lẽ là chiến dịch
“Just Say No” (tạm dịch “Chỉ cần nói không”) do cựu Đệ nhật Phu nhân Mỹ
Nancy Reagan khởi xướng. Chuyện bắt đầu khi bà Reagan có bài phát biểu
tại trường tiểu học Longfellow ở Oakland, bang California vào năm 1982.
Tại đây, một học sinh đã hỏi, bà sẽ làm gì khi được người khác mời sử
dụng các chất gây nghiện. Và bà Reagan trả lời “Just say no”.
Từ
đó, “Just Say No” trở thành khẩu hiệu chính thức trong các hoạt động
của bà Reagan nhằm khuyến khích thanh thiếu niên không sử dụng ma túy.
Với khẩu hiệu ngắn gọn cùng tầm ảnh hưởng của cựu Đệ nhất Phu nhân,
chiến dịch đã có sức lan tỏa mạnh mẽ. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng
giải pháp “Chỉ cần nói không” của bà Reagan quá đơn giản, và để giảm
thiểu tình trạng sử dụng ma túy ở thanh thiếu niên, nhiều vấn đề khác
cần giải quyết như đói nghèo, thất nghiệp, tỷ lệ ly hôn... hơn là chỉ
“Nói không”. Và có một nghịch lý là các diễn viên trẻ tham gia chiến
dịch như Drew Barrymore, Corey Haim, Corey Feldman đã thừa nhận sử dụng
ma túy trong và sau chiến dịch này.
Một
lần tôi tham gia tổ chức một buổi triển lãm tranh do chính các em học
sinh cấp 2 ở huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) vẽ về chủ đề bảo vệ môi trường và
giảm thiểu tác động của biến đối khí hậu. Khi chia sẻ về ý nghĩa bức
tranh của mình, khá nhiều em nói rằng: “Chúng ta phải nói không với xả
rác bừa bãi để môi trường luôn xanh-sạch-đẹp”. Nhưng chỉ ít phút sau,
sau khi dự một bữa tiệc liên hoan nhỏ, các em ra về và để lại những vỏ
kẹo bánh, sữa chua la liệt ở hội trường nhà văn hóa xã. Ngay ở thủ đô Hà
Nội nghìn năm văn hiến này, cứ mỗi lần lễ, Tết, đặc biệt là nếu có bắn
pháo hoa, thì công nhân vệ sinh môi trường khu vực hồ Hoàn Kiếm lại có
một đêm vất vả. Thế nên cái chuyện xảy ra ở nhà văn hóa xã ở một vùng
quê xa xôi này cũng dễ hiểu.
Tôi
không chê trách những tổ chức hay cá nhân sử dụng những câu khẩu hiệu
bắt đầu với hai chữ “nói không”. Trái lại tôi thấy nó dễ hiểu và dễ nhớ.
Nhưng đừng lạm dụng nó, đặc biệt là đối với trẻ em. Chúng ta dạy các em
“nói không” nên các em cũng chỉ biết nói không. Khi dạy các em “nói
không”, chúng ta mới chỉ dừng lại ở định hướng thái độ, còn từ thái độ
đến hành động, vẫn còn là một chặng đường dài.
Xin đừng chỉ nói không.
Lương Vân Lam (VnExpress)
0 nhận xét: