Ngày
trước, chính trực là một đức tính cao thượng nhất mà một người được xã
hội trao tặng. Cả chữ “chính” lẫn chữ “trực” đều thể hiện sự thẳng thớm
không cong quẹo, không lập lờ, hai mặt.
Cổng
vào triều đình hay chốn công quyền luôn ghi bốn chữ “quang minh chính
đại”: rõ ràng, trong sáng, thẳng thắn, nêu cao chính nghĩa.
Triết
lý sống, triết lý cầm quyền lúc đó luôn chống lại cách sống cơ hội, lập
lờ. Triết lý ấy nói một là một, hai là hai. Nhưng, thời thế đã đổi
thay, ngày nay thái độ sống mang tính “nhất nguyên” này dường như đã bị
thay thế bởi “nhị nguyên” hay “tam, tứ... nguyên”.
Xã
hội hiện đại chỉ hiện tượng này bằng từ “tiêu chuẩn kép” (double
standard), và thái độ sống... kép ấy đang dần trở thành hành xử phổ biến
trên toàn thế giới.
... Luôn phải tự vấn, tự trào như các bậc tiền bối thường làm để thấy mình không luôn đúng, để thấy mình đang dần sai, mình không mãi sở hữu chân lý, từ đó sẵn sàng một tâm thái chuẩn bị để canh tân |
Thời của “Tiêu chuẩn kép”
Nhưng
tiêu chuẩn kép là gì? Là cùng một sự việc, hành động, người này làm thì
nói là đúng, người kia làm thì bảo là sai. Nói một cách sòng phẳng, đây
là cách gọi lịch sự để chỉ tính hai mặt, tính cơ hội thực dụng, mập mờ,
vô nguyên tắc của một hành động nào đó.
Thậm
chí trên Wikipedia người ta nhấn mạnh hơn: “Tiêu chuẩn kép vi phạm tất
cả các nguyên tắc về sự công bằng khi giữa hai người lại có mức độ trách
nhiệm khác nhau dù làm cùng một việc. Vì thế nó được xem như một loại
thành kiến và không công bằng về đạo đức nếu nói theo nguyên tắc tất cả
đều bình đẳng và tự do.
Tiêu
chuẩn kép được xem như một sự phi lý bởi chúng vi phạm một cách mạnh mẽ
châm ngôn cơ bản của luật học hiện đại: tất cả mọi người đều bình đẳng
trước pháp luật. Nó vi phạm tất cả các nguyên tắc của công lý thường
được gọi là sự công bằng vốn cố gắng đặt một tiêu chuẩn chung cho tất cả
mọi thứ không thiên vị dù là theo tầng lớp, địa vị xã hội, giới tính,
tôn giáo, chính trị, tuổi tác...”.
Đồng
cảm với nỗi thống khổ của người Do Thái qua cảnh diệt chủng thời phát
xít, vẻ hào hùng của tướng độc nhãn Moshe Dayan, cuốn tiểu thuyết hùng
tráng Exodus kể
về cuộc trở về lập quốc Israel..., dù vậy tôi cũng không thể đồng cảm
nổi cảnh cả ngàn người Palestine - với rất nhiều trẻ em - tử thương vì
những cuộc không kích trả đũa của quân đội Israel, tất cả họ đều là dân
thường bị cô lập ở dải Gaza, một trại tập trung khổng lồ không có đường
trốn, không có gì để tự vệ, có bờ biển ngay cạnh mà cũng không thể bơi
thuyền ra quá vài trăm mét!
Tôi tự hỏi: quyền sống của người Do Thái và quyền sống của Palestine là hai tiêu chuẩn khác nhau?
Ở
phương trời gần chúng ta hơn, năm ngoái trong cuộc phỏng vấn với BBC
lần đầu tiên truyền đi từ một Myanmar mở cửa, người đàn bà mỏng manh
Aung San Suu Kyi vốn đã làm cho cả thế giới kính phục vì một nội tâm
mạnh mẽ, một tầm nhìn thời đại, một biểu tượng về đấu tranh cho sự công
bằng ở Myanmar, lại tỏ ra lúng túng khi bị hỏi về thái độ cần có trước
sự trấn áp mạnh tay của Chính phủ Miến Điện với người thiểu số Hồi giáo
Rohingya.
Bà
đã đáp bằng một câu trả lời lảng tránh, đại loại: “Tôi nghĩ là việc
chuyển từ một nước Burma thành liên bang Myanmar đã tạo ra nhiều vấn
đề”. Từ đó, thế giới những người hâm mộ bà Suu Kyi vẫn còn ghi một món
nợ mà bà cần trả lời: công lý cho dân tộc mình có cùng là công lý cho
người thiểu số không?
Gần
hơn nữa, ngay trong nội bộ nước Malaysia với chính sách Bumi Butra dành
ưu thế cho nhóm người bản địa hơn các nhóm nhập cư gốc Ấn, gốc Hoa; hay
tại Thái Lan, cùng là người Thái nhưng phe áo đỏ đa số, tầng lớp thấp
ngoại thành vùng sâu vùng xa luôn bị ép bởi phe áo vàng quý tộc, tư sản,
trung lưu thành thị, dù tính theo phổ thông đầu phiếu kiểu nào thì phe
áo đỏ cũng nắm chính quyền.
Còn
phương Tây dẫn đầu là nước Mỹ, luôn nhìn thẳng vào thế giới kiểu của
tổng thống George W. Bush và nói: “We will bring them to justice” (Chúng
ta sẽ mang bọn khủng bố ra trước công lý), nhưng chữ “công” đó không
phải là phổ quát cho mọi người như nghĩa chữ “công cộng”, không xem mọi
người như nhau bất kể là ai như “công tâm”...
Cách
họ tiến vào Afghanistan để đánh Taliban vì quyền lợi của mình, khi tình
hình chuyển biến khó khăn thì họ rút ra và đổ hết mọi sự thất bại cho
tổng thống Hamid Karzai - người do chính họ tạo nên, nói ông nào là tham
nhũng, cục bộ, yếu kém, bất tài và sau đó là tính chuyện hòa đàm với
Taliban.
Thậm
chí hôm 3-10 vừa qua, Jonathan Powell - đặc phái viên của Anh về Libya,
nguyên chánh văn phòng của ông Tony Blair - thời cùng ông Bush tuyên
chiến với khủng bố kiểu rạch ròi: “Theo chúng tôi hay theo khủng bố!”,
vừa ấn hành một cuốn sách nhan đề Talking to terrorists (Đàm phán với
khủng bố) - đã nói với nữ nhà báo Christiane Amanpour trên CNN rằng
phương Tây phải đàm phán với quân nổi dậy ở Trung Đông.
Rồi
Iraq là một điển hình thứ hai, đây là cuộc chiến của người phương Tây
nhưng Thủ tướng Maliki bị đổ hết trách nhiệm, thậm chí trong một cuộc
phỏng vấn với Christiane Amanpour tháng trước, ông cựu đại sứ Mỹ tại
Iraq khi bị quay rằng “các ông tạo ra ông ấy mà” đã ngập ngừng trả lời
đại ý “ông ấy được bầu lên và ở thời đại này, chúng ta không còn có thể
làm một coup d’etat (đảo chính) như hồi thập niên 1950 được nữa”.
Nhớ
tới lời của thủ tướng Anh Winston Churchill khi tổng kết về chính trị
thế giới: “Quốc gia không có bạn, quốc gia chỉ có quyền lợi”, chúng ta
đành phải tin rằng tiêu chuẩn kép là điều hiển nhiên, vì nhìn từ quyền
lợi thì sẽ khó có công lý giống nhau cho mọi người.
Tính hai mặt trong đời sống
Trong
đời sống thường ngày cũng thế, dù luôn cưỡng lại song tôi thấy mình
nhiều lúc xuôi theo tiêu chuẩn kép. Khi đọc bài điều tra về nạn buôn
thận, tôi xót xa cho người bán thận, căm phẫn kẻ môi giới, rồi có phần
oán trách người mua thận “vì mình mà hại mấy người trẻ đang lành
mạnh...”.
Nhưng
khi tự hỏi nếu ở vào hoàn cảnh cận kề cái chết, khổ đau vì cột cuộc đời
bên chiếc máy chạy thận, tôi có dám nói không khi ai đó đề nghị bán
thận cho mình không?
Dù
ghét tham nhũng, hối lộ và cuộc đời cũng không có quá nhiều nhu cầu để
phải chạy chọt, nhưng tôi có dám nói rằng từ trước tới nay mình chưa hề
nhờ vả này nọ để giành ưu thế không công bằng và quyết sống không thực
hiện hành vi mình ghét ấy không?
Tôi
không chắc khi nhớ đến những lần bị thổi phạt trên đường, những lần
chen chúc phờ phạc trong bệnh viện, rồi chuyện này nọ không quá lớn
nhưng rất cần “sức mạnh của sự quen biết”.
Nhớ
hồi trước năm 1975, khi còn học ở trung học đệ nhất cấp (như cấp II
hiện nay), tôi đã luôn tự hỏi: lớn lên mình có tham nhũng không? Xã hội
quanh tôi lúc đó đầy rẫy tham nhũng nhưng chúng tôi ý thức và luôn tự
đấu tranh với điều này. Kết luận ngây thơ lúc ấy là: mình sẽ học khoa
học hay làm ăn chứ không vào công chức để vướng đường tham nhũng.
Sau
ngày 30-4-1975, khi đoàn quân cách mạng rầm rập tiến vào Sài Gòn, cảm
giác về họ có thể khác nhau tùy người, nhưng ai cũng thừa nhận một điều:
đó là một đoàn quân cách mạng, sạch sẽ và lý tưởng. Không hề thấy ở đâu
việc tơ hào vật chất dù ở ngay giữa Sài Gòn lộng lẫy xa hoa.
Một
người lính quê Thanh Hóa đóng gần nhà tôi - trong khu Mạc Đĩnh Chi sang
trọng - chỉ có mỗi một ước nguyện: mua một con búp bê nhựa và nhanh
chóng rời chốn phồn hoa này về quê để gặp mặt con.
Hình
ảnh dung dị mà thật đẹp, y như cảnh tráng sĩ rửa gươm dưới ánh trăng để
gác kiếm sau khi hoàn thành công việc và quay về quê nhà mà tôi đã đọc
trong các áng thiên cổ hùng văn.
Đi tìm một thái độ sống đàng hoàng
Theo
một nghĩa nào đó có thể nói rằng thời của người quân tử đã qua rồi.
Những công thức để thành kẻ trượng phu kiểu: “Quân tử nhất ngôn” (Người
quân tử chỉ nói một lời) hay “Nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy” (Một
lời nói ra, bốn con chiến mã cũng không đuổi kịp, nên phải giữ lời vì
nói ra là không nuốt lời được) nay đã không còn được coi trọng.
Không
hẳn vì con người xấu đi mà có lẽ do cuộc đời phức tạp hơn, khó lường
định và khó giữ lời hơn. Hoặc cái giá phải trả cho một hành động ngày
càng lớn nên người ta phải thỏa hiệp, phải tương nhượng, từ đó người ta
thay đổi. Khi người ta đổi thay, tiêu chuẩn cam kết một thời cũng đổi
thay theo. Tiêu chuẩn kép từ đó mà hình thành.
Nhưng
nói gì thì nói, nếu chúng ta không còn thấy buồn, thấy chua xót khi
nghe những ý kiến sau của các nhà tư tưởng: “Đối với người quyền lực,
tội ác là cái mà người khác làm” (Cái mình làm chả bao giờ... ác), phát
biểu của nhà triết học chính trị Noam Chomsky. Hay “Thực hiện những điều
hung bạo với một lương tâm trong sạch là một hạnh phúc đối với các nhà
đạo đức.
Con
người tạo ra địa ngục từ đó”, ý kiến của nhà triết học Bertrand
Russell..., thì tấm lòng chúng ta đã trở nên chai đá vì tính thực dụng
rồi. Và phổ quát hơn, nếu chúng ta buông xuôi, ngừng các nỗ lực vun
trồng một nguyên tắc chung, không kép, không hai mặt thì xã hội của
chúng ta sẽ dựa vào điều gì mà tiến lên.
Bốn chữ “quang minh chính đại” khi bị tháo xuống khỏi chốn công đường, thì khi bước vào đó người công dân sẽ tin vào điều gì?
Như
dân gian thường hay đùa: “Quân tử nhất ngôn là quân tử dại/Quân tử...
nói lại là quân tử khôn”, chúng ta chắc luôn phải tự vấn, tự trào như
các bậc tiền bối thường làm để thấy mình không luôn đúng, để thấy mình
đang dần sai, mình không mãi sở hữu chân lý, từ đó sẵn sàng một tâm thái
chuẩn bị để canh tân.
Lưu Vĩ Lân (TTCT)
0 nhận xét: