Hoãn
thi hành án đối với Hồ Duy Hải là cần thiết vì những chứng cứ buộc tội
Hải là chưa thuyết phục. Nhưng, điều quan trọng hơn là làm sao để có một
trình tự tố tụng đảm bảo không lặp lại sai lầm.
Chuyện
Hồ Duy Hải luôn nhận tội trước cán bộ nhưng lại nói nhỏ vào tai mẹ và
dì rằng mình oan, cho thấy, điều bị án này chịu đựng trong trại giam đôi
khi còn khiến anh khiếp sợ hơn cái chết. Trước khi bàn việc tiến hành
những thủ tục tố tụng khác, phải nhanh chóng đưa Hồ Duy Hải ra khỏi
những nơi giam giữ thuộc quyền Công an Long An ngay.
Nhanh
chóng chuyển quyền quản lý các trại giam giữ cho Bộ Tư pháp thay vì để
trong tay Bộ Công An. Cho dù có ký bao nhiêu công ước chống tra tấn,
không ai có thể đảm bảo cảnh sát điều tra không dùng cực hình nếu việc
giam giữ các nghi phạm vẫn ở trong tay những người nôn nóng lập công phá
án.
Các
nhà báo theo dõi vụ án Năm Cam hẳn còn nhớ, trước khi xử, các bị cáo
trong vụ án này được đưa từ trại giam khét tiếng Tiền Giang về Chí Hòa
nhưng khi thẩm vấn cứ bị cáo nào phản cung là tối lại được đưa về Tiền
Giang để sáng hôm sau ra Tòa lại cúi đầu nhận tội.
Không
ai có quyền kiểm điểm, hạ mức thi đua của các thẩm phán nếu bản án của
họ bị tòa trên cải sửa trừ khi có bằng chứng các thẩm phán vi phạm tố
tụng hoặc nhận hối lộ. Cách làm hiện nay và cơ chế bổ nhiệm nhiệm kỳ
thẩm phán 5 năm đang đặt các thẩm phán vào một tình thế không còn khả
năng độc lập.
Sợ
hãi án bị cải, sửa, ngay từ đầu các thẩm phán đã đồng hành cùng cơ quan
điều tra và viện kiểm sát; khi hồ sơ chuyển sang tòa, các thẩm phán lại
tuân thủ "luật bất thành văn" là chạy lên tòa trên "tranh thủ ý kiến".
Như vậy, thay vì độc lập, chỉ tuân theo pháp luật, các thẩm phán đã bắt
tay với viện, với điều tra viên và lôi kéo tòa trên cộng đồng trách
nhiệm.
Theo
cách này, ngành tòa án sẽ có những con số đẹp (án ít bị cải, sửa hơn)
nhưng mức oan sai thật - thì nếu không có áp lực kêu oan của gia đình
(như trường hợp Hồ Duy Hải); thủ phạm thật không ra đầu thú (như trường
hợp Nguyễn Thanh Chấn)... - chiếm tỉ lệ cỡ nào là không ai biết được.
Nếu
Việt Nam không tin tưởng vào bồi thẩm đoàn thì cũng nên điều chỉnh vai
trò trong phiên tòa của các thành phần tham gia tố tụng. Thay vì các
thẩm phán và hội thẩm cứ làm công việc buộc tội như hiện nay. Hãy để
việc đó cho kiểm sát viên. Tòa và các hội thẩm nhân dân chỉ ngồi nghe,
để phần thẩm vấn, buộc tội và bào chữa cho kiểm sát viên và luật sư;
thấy lập luận buộc tội của kiểm sát viên có cơ sở vững chắc hơn phần bào
chữa của luật sư thì tuyên có tội và lượng hình; nếu thấy luật sư gỡ
tội đáng tin cậy hơn thì tuyên vô tội.
Đừng
sợ người nghèo sẽ không thuê được luật sư giỏi. Nếu có một nền tư pháp
tử tế, các đoàn luật sư độc lập sẽ tập hợp được những luật sư không cãi
chỉ vì tiền. Như chúng ta thấy, ngay trong thời điểm bị gây khó dễ như
hiện nay mà đã có không ít luật sư giỏi vẫn cãi miễn phí cho người
nghèo, cho người bất đồng chính kiến vì thanh danh của mình và niềm tin
vào công lý.
Chưa
thể đòi hỏi tư pháp độc lập trong chế độ một đảng cầm quyền nhưng những
điều trên đây là vẫn có thể bắt đầu để tránh những sai lầm chết người
như những vụ Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang), Bùi Minh Hải (Đồng Nai)...
và làm rõ trắng đen vụ Hồ Duy Hải.
Huy Đức
Theo FB Trương Huy San
0 nhận xét: