Nhớ trong phiên QH thông qua Luật thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi hôm 26.11, lý do để Uỷ ban TVQH coi ôtô là “mặt hàng cần thiết phải có sự điều tiết cao”, lý do cho cái lắc đầu với đề xuất giảm thuế suất đối với ôtô là vì “số lượng ôtô ở Việt Nam tăng nhanh, trong khi hạ tầng giao thông ở các khu đô thị chưa đáp ứng được. Mặt khác, việc sử dụng ôtô vẫn tập trung vào đối tượng có thu nhập cao trong xã hội, chủ yếu ở khu vực thành thị”.
Các nhà làm luật có lý do để lo lắng khi giao thông tĩnh đang là một trong những “lá mâu và chiếc thuẫn”. Ở thủ đô chẳng hạn, các điểm đỗ xe công cộng chỉ đáp ứng 10% nhu cầu. Có nghĩa là 90% số xe cộ các loại đương nhiên phạm luật mỗi khi kiếm chỗ đỗ. Nhưng giao thông tĩnh không phải là lý do để từ chối quyền được mua một phương tiện đi lại với giá cả hợp lý của người dân.
 Còn “một bộ phận thu nhập cao chủ yếu sống ở đô thị” cũng chưa phải là lý do thuyết phục để bắt nhiều người dân có thu nhập ở mức trung bình khá phải móc sâu hơn vào túi nếu như muốn mua một phương tiện an toàn hơn chiếc xe máy.
Tuy nhiên lời than khổ của ngành ôtô Việt mới là chuyện cần bàn hơn. Bởi ngoài việc xin miễn trừ thuế đất, ưu đãi đặc biệt về đầu tư, ngoài việc xin ưu đãi tương đương với 20% giá trị tính thuế TTĐB. Ngoài lời xin một cơ chế cấp tín dụng cho vay mua xe, tất nhiên sản xuất trong nước, với lãi suất 0%, VAMI, một cách khó hiểu, đề nghị “thuế TTĐB nên giữ nguyên, áp dụng cho tất cả các xe dưới 2.0L ở mức 45%”.
Rất rõ ràng, một màn kể khổ để xin giảm thuế phí cho xe trong nước. Một màn kể khổ để đề nghị giữ thuế TTĐB đối với xe nhập khẩu.
Một màn kể khổ mà người dân đã quen tai suốt 20 năm nay của một ngành công nghiệp được cưng nựng trong hàng rào bảo hộ nhưng nuôi mãi không lớn.
2018, năm mà Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN với quy định thuế nhập khẩu ôtô sẽ về 0% đang đến rất nhanh. Nếu như ngành ôtô tiếp tục được cưng nựng thì không hiểu điều gì sẽ xảy ra vào ngày 31.12.2017!
Đào Tuấn (Lao Động)