Ai sẽ là thủ tướng nhiệm kỳ tới?

“Lùi một tiến hai“ hay phép  ”mặc định“ của Thủ tướng Dũng cho lãnh đạo chính phủ ở nhiệm kỳ tới.
Cũng như ông Vương Đình Huệ ở kỳ họp trước, ông Nguyễn Thiện Nhân không có ý định phát biểu chia tay trước Quốc hội. Ông chỉ ngỏ ý ngắn, nhờ ông Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói hộ lời cảm ơn tới đại biểu Quốc hội.
Giây phút xa rời mảng mình từng phụ trách trong Chính phủ là cương vị Phó thủ tướng cũng làm ông xao động. Một con người cộng sản đích thực như ông có lẽ hẳn sẽ buồn. Ông là một người được đào tạo bài bản, có kiến thức sâu về chuyên môn điều khiển học và kinh tế và cũng đã trải qua một thời kỳ công tác ở địa phương TP HCM. Ông cũng từng có cơ hội khăng định mình khi nhận trọng trách làm bộ trưởng bộ GD-ĐT. Thế nhưng cơ may không mỉm cười với ông khi một mình đối mặt với cả một ý thức hệ cũ kĩ của Bộ GD_ĐT. Vốn là người nhân hậu nên ông thiếu cá tính mạnh trong lãnh đạo. Những đề xuất hào hứng ban đầu của ông được xã hội ủng hộ , nhưng cán bộ quản lý ngành không ủng hộ nên dở dang. Thành ra ông mất điểm trong con mắt của dư luận.
Tuy vậy nhiệm kỳ chính phủ mới thì ông được lên một bậc. Chức Bộ trưởng GD-ĐT được trao lại cho ông Phạm Vũ Luận. Ông Luận đang khá lúng túng với nhiệm kỳ mới này của mình. Bộ trưởng Luận chưa thể dám làm một điều gì cụ thể để thể hiện vai trò của người đứng đầu ngành GD-ĐT, vì ông đang đứng dưới bóng của ông Nhân. Ông Luận bị kẹt ở hai thế, cái cũ của người tiền nhiệm và là cấp trên trực tiếp, cái mới của chính ông muốn làm. Ông Luận rất lúng túng vì cái thế oái ăm đó. Nay ông Nhân được chuyển sang phụ trách mảng Hội đoàn thì đây chính là lúc ông Luận được „cởi trói“. Ông Luận có cơ hội để thực hiện ý tưởng mới của mình trong ngành giáo dục, nhất là Bộ chính trị vừa có nghị quyết tầm dài cho giáo dục.
Việc ông Nhân vào Bộ chính trị thì ít ai nghĩ đến. Có lẽ ngay ông cũng khó hình dung được. Ông không phải là đề cử viên sang giá của ông Tổng bí thư hay ông Thủ tướng, mà là một giải pháp dung hòa cho Đảng và Chính phủ. Ông cũng biết vậy. Giả sử một người được đào tạo bài bản như ông mà hoạt động ở bên quản lý chính phủ thì tốt hơn là phụ trách hội đoàn.
Tiếng ông đã sang nhận chức Chủ tịch MTTQVN đã lâu, thế nhưng những ngày gần cuối các hoạt động của ông ở bên chính phủ có vẻ sôi động hơn bao giờ hết. Ông chăm đi hội họp ký kết, ông chỉ thị nơi này nơi kia. Thế nhưng tất cả điều đó không giúp gì nhiều cho ông. Khi thấy ông xuất hiện ở Quốc hội nhưng không phát biểu cảm tưởng, nhiều người cũng thông cảm, vì họ hiểu tình huống của ông Nhân.
Như vậy vị trí ông Nguyễn Thiện Nhân trống, trống hẳn một ghế Phó thủ tướng. Thế nhưng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề cử hẳn hai người cùng lên chức Phó thủ tướng. Đó là ông Phạm Bình Minh, bộ trưởng Bộ ngoại giao và ông Vũ Đức Đam, Bộ trưởng chánh văn phòng phủ TT. Cả hai vị này đều khá trẻ so với lớp cán bộ cao cấp hiện hành và cả hai đều có sức bật mới. Nếu xét về năng lực để kế cận hàng ngũ lãnh đạo cao cấp thì có lẽ họ đều xứng đáng về nhiều mặt.
Ông Vũ Đức Đam là một người được đào tạo tại phương Tây. Khi về nước công tác có nhiều mặt thuận lợi, nhất là khi Việt Nam hợp tác với các nước tư bản để mở rộng công nghệ truyền thông. Là một cán bộ trẻ làm công tác quản lý ở Bộ, ông có điều kiện tiếp xúc nhiều với bên ngoài. Hơn nữa đức tính mẫn cán, chịu khó lắng , kín miệng nên ông được cất nhắc làm thư ký cho ông Kiệt. Trong thời gian ở Bộ Thông tin và Truyền thông, ông kiến tạo được nhiều mối quan hệ với nước ngoài, thuyết phục được các doanh nghiệp lớn như Samsung, Intel, Microsoft đặt chân tới Việt Nam. Những thành tích đó mới là mang đến cho ông giải thưởng Sao Khuê ở mảng truyền thông, chứ không phải việc thành công quản lý địa phương bằng công nghệ thông tin ở Quảng Ninh. Theo lộ trình luân chuyển cán bộ trong công tác, ông về làm chủ tịch rồi bí thư tỉnh Quảng Ninh. Thực sự thì trong thời gian này địa bàn tỉnh Quảng Ninh vẫn là điểm nóng của nhiều vụ việc ảnh hưởng đến an ninh kinh tế và chính trị của quốc gia. Đấy là xuất khẩu than lậu, buôn hàng lậu của các doanh nghiệp và nơi côn đồ hoành hành. Vì có thể thời gian còn quá gắn và tâm lý chỉ về địa phương để gọi là qua thời gian „ dừng chân“, nên hoạt động của ông ở nơi này có phần nào hạn chế. Việc ông quay về Hà Nội đảm nhận chức Bộ trưởng phụ trách Văn phòng phủ Thủ tướng là ấn tượng nhất. Điều mà ít ai ngờ. Vì vị trí này có quyền lực chi phối mọi bộ ngành. Văn phòng Phủ thủ tướng thực chất là một siêu bộ. Người đứng đầu là một người phải giàu kinh nghiệm và biết hóa giải mọi mâu thuẫn của các bộ. Thực tế thì ông hoàn thành khá xuất sắc vai trò của mình, nhất là làm người Phát ngôn chính thức của Thủ tướng. Nhưng điều phối văn phòng thì bóng của ông Nguyễn Xuân Phúc vẫn còn lấn át. Mọi sợi dây điều khiển đều năm trong tay ông Phúc cả. Nhưng nhìn chung thì ông Đam làm tốt việc của mình, phát ngôn kín đáo và cũng khá kịp thời. Ở cương vị Phó thủ tướng ông sẽ có nhiều cơ hội hơn và có thể tỏ rõ vai trò của mình mạnh hơn nữa. Như vậy Việt Nam sẽ cởi mở hơn, nhất là công tác thông tin – truyền thông và công nghệ mới.
Bên Bộ ngoại giao thì trước hay sau ông Phạm Bình Minh vẫn là một ứng cử viên sáng giá. Là một người công tác ở ngành ngoại giao từ lúc trẻ, nên ông Minh có rất nhiều kinh nghiệm. Nhẽ ra ông được vào Ban lãnh đạo Bộ từ lâu rồi mới phải. Vừa trẻ trung, vừa có nghiệp vụ tốt. Ông Phạm Bình Minh có người cha rất nổi tiếng là ông Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch, nhưng sự nghiệp của ông đã thoát khỏi bóng người cha. Ít ai biết rằng, thời kỳ đường lối ngoại giao của ông Nguyễn Cơ Thạch bị thất sủng, ông Phạm Bình Minh cũng không dễ chịu chút nào khi công tác ở bộ này. Thế nhưng ông vẫn bám trụ và thăng tiến dần. Những việc ông làm khá âm thầm, nhưng mang nhiều tính quyết định, góp phần cho Việt Nam ngày càng mở rộng quan hệ ngoại giao và xu thế nhập hội ngày càng sâu.
Từ trước đến giờ thì vai trò phụ trách đường lối ngoại giao của Việt Nam vẫn do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nắm giữ. Nay thì ông Minh đã đạt tầm. Ông Dũng có thể san sẻ nhiệm vụ bớt cho ông Minh, như vậy ông Dũng rảnh tay hơn, tập trung chú trọng vào công việc chèo lái kinh tế nội tại và đây chính là mảng quan trọng nhất của vai trò Thủ tướng.
Nhưng câu hỏi tại sao khuyết một mà bổ sung hai?
Trong lúc Quốc hội và ngay cả Bộ nội vụ đều phải thừa nhận khối quản lý ở cấp trung ương đang phình ra, phá vỡ cả quy chế nhân sự của cấp Bộ. Nhẽ ra mỗi bộ chỉ có 4-5 thứ trưởng. Thế nhưng thực tế thì bộ ít nhất đã có tới 5 thứ trưởng và bộ nhiều nhất có đến 9 thứ trưởng. Việc quá nhiều thứ trưởng được bổ nhiệm đã làm cho bên Quốc hội và Đảng rất suy nghĩ. Để ngăn ngừa việc lạm dụng bổ nhiệm dư thừa cán bộ, trong dịp hội nghị trung ương 8 vừa qua, ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã bất ngờ đưa ra quy chế quy hoạch cán bộ trong hệ thống Đảng. Nếu việc này phía Đảng thực hiện trôi chảy và áp dụng chung rộng rãi trong chính quyền thì Chính phủ sẽ gặp cản trở khi bổ nhiệm cán bộ dưới quyền mình. Nhưng một khi quy chế đó chưa áp dụng sang chính quyền thì Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng biết sử dụng quyền lực hiện hành của mình để thực hiện ý đồ cho nhiệm kỳ sau. Việc làm đó hoàn toàn hợp lệ.
Như vậy hàng ngũ phó Thủ tướng hiện hành gồm có ông Nguyễn Xuân Phúc, ông Vũ Văn Ninh, ông Hoàng Trung Hải, ông Phạm Bình Minh và ông Vũ Đức Đam. Tiền lệ từ trước đến nay của cơ cấu chính phủ thì vị trí Thủ tướng có thể thay đổi , nhưng vị trí phó thủ tướng thì chưa bao giờ thay đổi . Người đang làm phó thủ tướng của nhiệm kỳ trước vẫn đảm nhiệm tiếp vai trò của mình cho đến lúc nghỉ hưu, trừ trường hợp thăng tiến lên cấp.
Nhiệm kỳ tới chắc chắn ông Nguyễn Tấn Dũng sẽ không giữ thức Thủ tướng. Bởi vì vị trí này ông cũng đã đảm nhiệm hơn 2 nhiệm kỳ. Nhiệm kỳ thứ nhất có vể có nhiều thuận lợi, nhưng sang nhiệm kỳ thứ hai thì gặp quá nhiều khó khăn. Trong giai đoạn ông lãnh đạo chính phủ thì có nhiều quyết sách lớn, mang tính dài hạn và rất hoành tráng. Thế nhưng các chính sách ngắn hạn và cách điều hành để thực hiện lại có nhiều bất cập. Điều bất lợi cho ông là mô hình tập đoàn Nhà nước hoành tráng đã thất bại. Thời kỳ này ngành Bất động sản, một trong những mũi nhọn kinh tế của Việt Nam, lại đổ vỡ, vì thế ông có quá nhiều thách thức. Hơn nữa suốt cả hai nhiệm kỳ thì nạn tham nhũng trở thành một quốc nạn. Những chính sách đề ra để khắc chế tham nhũng không có tác dụng. Vì thế Bộ chính trị cũng đã nhắc nhở ông về trách nhiệm của mình. Tại Quốc hội ông cũng đã từng công khai xin lỗi cử tri về vai trò Thủ tướng của mình.
Người đứng đầu cơ quan chính phủ làm suốt hơn hai nhiệm kỳ chắc cũng mệt mỏi. Người ta chưa nhận thấy có sự thay đổi lớn trong quyết sách hiện nay. Mọi giải pháp cứu nền kinh tế hay phòng chống tham nhũng, an sinh xã hội thì nói nhiều, nhắc nhiều, bàn bạc nhiều nhưng để đi vào cuộc sống ngay thì không có. Mà thực tế nền kinh tế và chính trị của đất nước đang đòi hỏi phải thực sự có những đổi mới mang tính đột phá. Ông sẽ nghỉ, nhường vị trí này cho người mới. Đó là một điều hiển nhiên.
Trong tương lai ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có xa rời chính trị hay không thì phụ thuộc vào số lượng phiếu của Ban chấp hành Trung ương. Nếu số phiếu ủng hộ ông cao thì đương nhiên ông có thể tiếp tục ở lại nắm giữ một trong những vị trí tứ trụ chủ chốt. Nhưng câu hỏi này chỉ có thể trả lời được trong Đại hội Đảng khóa 12 mà thôi.
Người thay thế Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thì không ai khác là Phó thủ tướng thứ nhất Nguyễn Xuân Phúc. Ông Phúc là ủy viên bộ chính trị, trực tiếp phụ trách mảng nội chính của Chính phủ hiện nay. Nếu như trước kia với vai trò là Bộ trưởng phụ trách Văn phòng chính phủ thì ngoài công việc điều phối, ông còn là ngừời phát ngôn chính thức. Vai trò đấy ông Phúc chủ động hơn ông Đam hiện nay. Ông Phúc là một người điềm đạm, ông có kinh nghiệm điều phối các bộ. Thực chất thì từ lâu ông mới là người điều hành công việc cụ thể chứ không phải ông Dũng.
Trở lại vấn đề cơ cấu của chính phủ trong nhiệm kỳ tới. Ông Phúc là người lớn tuổi tuổi nhất trong hàng ngũ Phó thủ tướng và đủ điều kiện nhất. Ông sang làm Thủ tướng. Như vậy hàng ngũ phó thủ tướng sẽ rút gọn lại chỉ còn 4, rất hợp với nghị quyết chung của Quốc Hội và cũng phù hợp với nghị quyết mới của Bộ chính trị. Còn các vị Phó thủ tướng hiện nay sẽ tiếp tục đảm nhiệm lĩnh vực mình phụ trách. Như vậy không thể có một vị nào có thể chen chân vào nữa. Kể cả ông Vương Đình Huệ hay ông Nguyễn Bá Thanh. Dù cho rằng hai ông này được sự ủng hộ của bên Đảng hay bên Quốc hội đi nữa thì cũng không có cơ hội được đề cử.
Như vậy với việc “lùi một, tiến hai” của ông Nguyễn Tấn Dũng người ta cũng dễ nhận thấy Thủ tướng đã đi trước một bước, mang tính chiến lược về nhân sự. Hay nói cách khác tuy ông Nguyễn Tấn Dũng sẽ không còn ở vị trí Thủ tướng trong nhiệm kỳ tới, những người do ông đề cử sẽ bảo đảm một nội các mới chịu ảnh hưởng của ông Dũng.
Theo FB Dân Choa

HDTG Blog

Cảm ơn bạn đã ghé thăm.

0 nhận xét:

BÀI ĐĂNG PHỔ BIẾN