Hai chỉ vàng và một mớ rau

Câu chuyện về hai cuốn sổ tiết kiệm của bà Lê Thị Bích Thủy ở TP HCM đang được dư luận quan tâm.

Năm 1983, bà Thủy gửi hai cuốn sổ, với tổng mức tiền là 270 đồng - tương đương với hai chỉ vàng thời đó - vào Quỹ Tiết kiệm thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Sau 31 năm, bà mới xin tất toán. Ngân hàng được giao nhiệm vụ kế thừa xử lý những chuyện tồn đọng tương tự, đã làm “hết sức đúng nguyên tắc". Bà Thuỷ được thông báo sẽ được chi trả cả gốc và lãi là... 4.835 đồng.
Số tiền này chưa đủ uống một ly trà Thái Nguyên ở Hà Nội, cũng chưa đủ mua một mớ rau muống ở bất kỳ thành phố nào trên cả nước... Trong khi đó, một số người chuyên sưu tập "đồ cổ", khi biết tin, đã nảy ra ý mua lại của bà Thuỷ hai cuốn sổ tiết kiệm nọ với giá gấp 1.000 lần, để làm phong phú thêm bộ sưu tập một thời gian khó của đất nước.
Việc bà Thuỷ và nhiều người khác nữa gửi tiết kiệm, mua công trái trong thời điểm nhà nước kêu gọi, huy động tiền trong dân để xây dựng đất nước theo tôi là một nghĩa cử. Mức lương khi đó của tôi - một thượng úy trong quân đội - cũng chỉ có 86 đồng.
Nhiều năm sau đó, đồng tiền mất giá tới mức, những năm 90 của thế kỷ trước, có hẳn một chiến dịch thu mua lại trái phiếu với giá rẻ như bèo của những người làm nghề đồng nát. Việc đổi tiền theo phương thức 10 đồng nhận một đồng và tốc độ lạm phát vẫn tiếp tục phi mã thời đó đã khiến nhiều tờ công trái chẳng còn giá trị.
Rất có thể trong mỗi gia đình chúng ta cũng còn đâu đó những cuốn sổ tiết kiệm, những tờ phiếu công trái "xây dựng đất nước". Họ có thể yêu cầu các cơ quan có trách nhiệm chi trả sòng phẳng. Song xem ra cũng chẳng bõ công. Câu chuyện của bà Thủy với cái kết "hai chỉ vàng chưa bằng một mớ rau" là một ví dụ cho thấy “công không bõ”.
Trong câu chuyện của bà Thủy, tất nhiên, nhà nước không thể trả cho bà Thủy số tiền gấp cả nghìn lần như thú vui của một người sưu tầm, bởi đó là nguyên tắc tài chính. Nhưng tôi nghĩ ngành ngân hàng đã bỏ qua một cơ hội vàng, cơ hội để tri ân những khách hàng đã gửi gắm tài sản của mình ngay trong giai đoạn khó khăn của đất nước.
Một khoản “tri ân” thiết thực sẽ không làm hao hụt quá nhiều nguồn kinh phí mà các ngân hàng đang dành cho các chiến dịch khuyến mãi rầm rộ hiện nay.
Đôi khi giá trị đem lại không thể đánh giá chỉ bởi những con số lên xuống tức thời, nhất là khi niềm tin của người dân vào các chính sách, theo tôi, còn mong manh.
Quốc Phong (VnExpress)

HDTG Blog

Cảm ơn bạn đã ghé thăm.

0 nhận xét:

BÀI ĐĂNG PHỔ BIẾN