Để
kỷ niệm 25 năm bức tường Bá Linh sụp đổ. Kính mời quý vị cùng thông tín
viên Tường An nhìn lại những thành tựu cũng như những bất cập còn tồn
đọng sau 25 năm thống nhất qua những chia sẻ của người Việt sống tại
Cộng Hòa Liên Bang Đức
![]() |
Bức tường Bá Linh được dựng lại bằng hàng ngàn những chiếc đèn lồng trắng , là một phần của dự án "Lichtgrenze 2014" để kỷ niệm 25 năm sự sụp đổ của Bức tường Bá Linh ngày 09 Tháng 11 năm 2014 |
Bức tường Bá Linh
Đêm
13 tháng 8 năm 1961, tại Bá Linh, một bức tường dài 156 km được dựng
lên chia đôi 2 miền ý thức hệ. Bức tường đã giam cầm sự tự do của hơn 3
triệu người dân ròng rã 28 năm.
Mảng tối của hàng triệu cư dân Đông Đức chỉ thực sự được phơi bày sau khi bức tường Bá Linh sụp đổ ngày 9 tháng 11 năm 1989.
25
năm trôi qua, sau ¼ thế kỷ thống nhất, nước Đức còn, mất những gì,
người dân của xứ sở Karl Marx và Einstein này thua thắng ra sao ở buổi
chung cuộc ?
Mặc
dầu trong một sớm một chiều, 40 triệu người dân Tây Đức đã phải cưu
mang thêm 18 triệu người dân Đông Đức, thế nhưng, tinh thần dân tộc đã
giúp họ vượt qua mọi khó khăn ban đầu để vực dậy nền kinh tế và đưa nước
Đức thành một quốc gia cường thịnh như hôm nay. Ông Lê Nam Sơn , ngụ
tại thành phố Hannover nói :
« Trước
đó, cuộc sống bên Tây Đức rất là dễ dàng, thoải mái. Sau khi bức tường
Bá Linh sụp đổ, toàn nước Đức thống nhất thì nói chung cuộc sống không
khá như trước. Nhưng để bù lại, cả một nước Tây Đức họ đã vực dậy phần
còn lại bên Đông Đức và sánh ngang hàng với các nước Châu Âu. Nhưng
người lãnh đạo của nước Đức có cái viễn kiến và họ đã đưa nước Đức lên
ngang hàng với các nước Tây Âu, chuyện đó không phải là dễ »
Theo
chị Thục Quyên ở Munchen, đa số người dân Đức hài lòng với cuộc thống
nhất đất nước. Họ đặt tinh thần dân tộc lên trên mọi khác biệt để xây
dựng đất nước. Chị Thục Quyên nói :
«
Có khoảng 70% dân chúng đánh giá là cuộc thống nhất của đất nước họ từ
tốt đến rất tốt. Phần lớn dân chúng rất là bằng lòng với tình hình chính
trị và xã hội của đất nước họ. Điểm son của dân tộc Đức là tuy họ đã
sống dưới 2 thể chế chính trị đối ngược với nhau trong hơn 40 năm trời
nhưng người dân Đức vẫn có lòng tin tưởng ở tình anh em, tình dân tộc
của họ. Và cái rất là hay là họ rất là sáng suốt, họ đã tách cái đảng
Cộng sản của Đông Đức ra, là cái chính quyền phải chịu trách nhiệm.
Người dân Tây Đức Tự do và người dân Đông Đức đã dẹp bỏ được những nghi
kỵ với nhau, và vì vậy họ mới bắt được tay với nhau và làm việc »
Thực
vậy, dưới sự điều hành của Thủ tướng Merkel và Tổng thống Gauck, cả 2
đều xuất thân từ Đông Đức , nước Đức đã trở thành một nền kinh tế đứng
thứ tư trên thế giới và là đầu tàu của nền kinh tế Âu châu. Từ Hannover,
ông Lâm Đăng Châu nói :
«
Đa số người dân 2 miền Đông Tây sống hoà thuận. Chính trị Đức ổn định,
kinh tế Đức cho đến bây giờ rất ổn định, coi như là vững mạnh nhất ở Âu
châu bây giờ. »
Bức tường đổ và sự hãnh diện của người Đức
Nhìn
vào sự cư xử của người dân Đức, theo ông Nguyễn Đình Tâm ở Bá Linh thì
người ta có cảm tưởng hình như chưa hề có một bức tường nào ngăn cách
giữa người dân Đông và Tây Bá Linh trước và sau năm 1961. Ông nói :
« Hồi
đó, bức tường chưa sập nhưng vẫn có những người bên Đông Đức sang bên
này để gặp bà con. Chính quyền Tây Đức còn tặng cho những người dân Đông
Đức 100 Đức Mã. Rồi đến khi bức tường sập, thì người dân Tây Đức mở
rộng vòng tay họ đón tiếp (người dân Đông Đức) như người thân thiết của
họ »
Cho
tới nay, người dân Đức đã phải đóng góp hàng ngàn tỷ Đức Mã để cưu mang
thêm một nền kinh tế trì trệ sau gần 30 năm dưới chế độ Cộng sản. Từ Bá
Linh, ông Hoàng Kim Thiên nói :
« Kinh
tế của Đông Đức trước 1989 thì không phát triển gì nhiều. Nhưng sau khi
bức tường đổ , Tây Đức đã phải bỏ ra rất nhiều tiền. Ở Tây Đức, mỗi
người dân đi làm phải đóng 7% thuế để xây dựng Đông Đức. Sau 25 năm
thống nhất, kinh tế nước Đức vẫn giữ rất là vững. Thì đó là sự hãnh diện
của người Đức »
Sự
khác biệt về mặt vật chất đã được san bằng, còn về con người thì sao ?
Theo chị Anh Đào ở Bá Linh, thì đâu đó vẫn còn sự khác biệt về tư tưởng
giữa những con người của thế giới tự do và những người đã sống một thời
gian dài dưới chế độ cộng sản. Chị Anh Đào nói :
« Nói
chung sau 25 năm, sự thống nhất của nước Đức rất là hoàn hảo. Mặc dù
còn một số ít những người dân Đông Đức vẫn còn những tư tưởng của chế
độ cũ, nhưng từ từ họ vẫn hoà mình với phía bên Tây Đức này »
Sự khác biệt này, theo ông Hoàng Kim Thiên dần dần cũng đã được san bằng :
« Trước
đây khoảng 10 năm. Thí dụ như trong hãng, xưởng, thí dụ như người Tây
Đức có vẽ phóng khoáng hơn, tức là họ nghĩ gì thì họ nói đó. Còn người
Đông Đức họ hơi dè dặt một chút xíu. Nhưng bây giờ, sau 25 năm qua, tôi
thấy cái tinh thần đó không còn nữa »
Một
điều ngoạn mục là sau một thời gian đầu tư để lấp đầy khoảng trống giữa
Tây và Đông Đức. Giờ phía bên Đông Đức lại hình như vượt trội cả Tây
Đức về mặt hạ tầng cơ sở cũng như chất xám. Ông Lâm Đăng Châu nói :
« Trước
đây người dân Đông Đức qua Tây Đức để tìm công ăn việc lắm để sinh
sống. Nhưng từ năm 2013 thì ngược lại : Những người dân Tây Đức đã bắt
đầu qua Đông Đức để bắt đầu xây dựng sinh sống làm ăn. Đấy là những sự
phát triển rất là ngoạn mục. Nước Đức họ vui mừng thấy đó là một trong
những tiến bộ »
Từ Bá Linh, chị Mỹ Lâm cũng ghi nhận những thành quả thực tế mà Tây Đức đã đóng góp cho Đông Đức :
« Phải
nhìn nhận rằng sự giúp đỡ của Tây Đức cho Đông Đức rất là lớn và những
thành quả đó cũng thấy được , bằng chứng là ở Berlin có nhiều những bệnh
viện được xây ở Đông Đức còn tối tân gấp mấy lần những bệnh viện đã có
sẵn ở Tây Berlin. Hạ tầng cơ sở, đường xá, bệnh viện , trường học, nhà
cửa được xây dựng lại rất là mới »
Với
hàng chục ngàn người Việt đang lao động tại Đông Đức trước 1989, sự hội
nhập tuy quả là không dễ dàng sau khi cánh cửa tự do mở ra, nhưng sau
25 năm , ông Nguyễn Thành Lương ở Frankfurt cũng đã ghi nhận những thành
công đáng kể của họ :
« Người
Việt sau khi bức tường Bá Linh sụp đỗ chạy qua bên này (Tây Đức) thì
không được hưởng những ưu đãi (như người Tây Đức lúc đó) nhưng dần dần
người mình cũng chịu khó làm ăn và hội nhập. Mấy năm trở lại đây thấy họ
cũng bắt đầu làm ăn đàng hoàng, không còn lối làm ăn chụp giựt trước
đây nữa. Đó cũng là một thành công ! Và nhất là một trong những thành
công mà báo chí Đức mấy năm gần đây nó rất nhiều về sự học hành của con
em người Việt mình ở bên Đông »
Được sống trong một không khí hoàn toàn tự do, từ Berlin, ông Nguyễn Duy Tân, một cựu đảng viên Cộng sản phát biểu :
« Cảm
nghĩ của tôi thực sự là bình an. Mọi người đều có sự công bằng trước
pháp luật và trước cơ quan công quyền nhà nước. Ai cũng được quyền tự
do tham gia và việc của nhà nước. Đó là giá trị mà tôi cảm thấy may mắn,
hạnh phúc được sống trong một nền Tự do »
Đó
cũng là sự may mắn của ông Nguyễn Thành Lương, một thuyền nhận tị nạn ở
Tây Đức khi gặp được người phối ngẫu là chị Mai, một công nhân xuất
khẩu lao động ở Đông Đức. 25 năm bức tường sụp đổ là gần 25 năm mà ông
Nguyễn Thanh Lương sống chung dưới một mái nhà :
« Từ sự may mắn của tôi, tôi cũng chia sự may mắn đó cho nhà tôi sớm được hội nhập »
Từ
sự thống nhất của một quốc gia, đến sự thống nhất của hai tâm hồm. Đây
có phải là một thí dụ tuyệt vời về sự hoà giải ? Chị Mai vui cười nói :
« Đấy mới là thống nhất nhỉ ??? »
Bên
cạnh những hào quang của một nước Đức thống nhất. Đâu đó vẫn còn chập
chờn những mảng xám. Sau những niềm vui hội ngộ là những sự thật trần
trụi mà người dân hai miền Đông Tây của nước Đức phải đối diện và giải
quyết.
![]() |
|
Chiếc
huy chương nào cũng có những mặt phải và mặt trái của nó. Sau khi bức
tường Bá Linh sụp đổ ngày 9 tháng 11 năm 1989, Niềm vui thống nhất của
người dân hai miền Đông Tây chưa trọn vẹn thì họ đã phải đối diện với
những khó khăn về vật chất khi mà 40 triệu người dân Tây Đức đã phải
gánh thêm trên vai cuộc sống của hơn 18 triệu dân Đông Đức với tất cả
những hệ luỵ còn sót lại của 28 năm dưới chế độ Cộng sản và cả những di
sản trước đó do chiến tranh để lại.
Người Việt từ Đông Đức
Sau
khi bức tường Bá Linh sụp đổ, gần 60 ngàn người Việt đang học tập và
lao động ở Đông Đức đứng trước sự chọn lựa: tiếp tục tương lai trên nước
Đức tự do nhưng mới mẽ và đầy thách thức hay trở về với chủ nghĩa Cộng
sản quen thuộc tại Việt Nam với số tiền trợ giúp của chính quyền mới ?
Khoảng 40.000 người Việt đã chọn con đường hồi hương với 3000 Đức Mã.
Anh Nguyễn văn Mài, là một công nhân hợp tác lao động ở Đông Đức vào
thập niên 80, nay cư ngụ tại Hannover kể lại:
“Khi
bức tường Bá Linh đổ, ai có điều kiện thì chạy sang Tây Bá Linh, tôi
còn nhớ lúc đó ai qua Tây Bá Linh thì chính quyền mới cho 100 Đức Mã.
Một trăm đo Mác lúc đó đối với anh em mình là to lắm. Thế là lúc đó nước
Đức đổi tiền theo tiêu chuẩn 1 ăn 1. người Việt mình nói chung lúc đó
là vui vẻ. Sau đó nước Đức người ta thấy hoàn cảnh công ăn việc làm khó
khăn quá cho nên người ta động viên người Việt nhà mình, nếu ai muốn hồi
hương thì người ta sẽ bồi thường 3000 đô Mác cho mỗi người và thế là
đại đa số người Việt mình hồi hương”
Đông
Đức tan rã kéo theo nhiều nhà máy phải đóng cửa, người dân Đông Đức
thất nghiệp. Người dân Tây Đức đi làm phải đóng thuế vào “Quỹ Quốc Gia”
để xây dựng lại một Đông Đức đầy bất trắc. Người Việt từ Đông Bá Linh
chạy sang Tây Bá Linh, đa số sống chủ yếu bằng những nghề buôn bán
nhỏ, bán thuốc lá lậu, cuộc sống bấp bênh, tỷ lệ tội phạm cao trong
thời kỳ giao thoa này. Chị Mai, cũng hợp tác lao động ở Đông Đức, nay
sống tại Frankfurt cho biết:
“
Ở lại thì lúc đầu thì cũng khó khăn lắm, người ta đi kiếm việc làm, lúc
đầu thì bán quần áo, sau này có phong trào bán thuốc lá lậu. Sau đó thì
từ từ họ được định cư lại thì họ làm ăn cũng ổn định”
Chưa
đầy 3 năm sau ngày nước Đức thống nhất, người ta đã thấy manh nha những
tư tưởng bài người ngoại quốc mà nạn nhân đầu tiên bị nhắm đến là những
người lao động nhập cư. Điển hình là sự kiện ném bom xăng vào khu nhà ở
của người ngoại quốc ở thành phố Lichtenhagen, Rostock đã gây chấn động
chính trường Đức và thu hút sự quan tâm của thế giới. Anh Mài tiếp:
“Khi
mà bức tường Bá Linh đổ, khi mà chế độ bắt đầu thay đổi thì trong một
số người Đức bắt đầu xuất hiện những tư tưởng bài xích người ngoại quốc.
Những người mang tư tưởng kỳ thị họ ở bên Đông Đức, đại đa số là thanh
niên. Bởi vì khi bức tường Bá Linh đổ thì không những người Việt nhà
mình thất nghiệp mà ngay cả người Đức cũng bị thất nghiệp, vì vậy họ cho
rằng là do những người lao động ở Đông Đức là nguyên nhân khiến cho họ
không có việc làm”
Những khác biệt về tư tưởng Đông và Tây
Sau
25 năm xây dựng và phát triển, sự cách biệt giàu nghèo giữa Đông và
Tây Đức hầu như đã không còn. Thế nhưng, đâu đó vẫn còn một khoảng trống
chưa thể lấp đầy, đó là sự khác biệt về tư duy, về cách hành xử của
người dân Tây Đức, quen sống thoải mái tự do và người dân Đông Đức, hình
như vẫn chưa thoát ra được cái bóng của chế độ Cộng sản vẫn còn đeo
đuổi. Chị Anh Đào ở Bá Linh nhận xét:
“Hai
tư tưởng khác nhau, mặc dù ở xứ tự do này, nhưng những người bên Đông
Đức vẫn còn lập trường bị gò bó. Còn bên Tây Đức mỗi người đều có 1 tư
tưởng, thành ra mình rất là thoải mái khi mình nói chuyện, nhưng khi
mình nói chuyện với anh chị em bên Đông Đức; Ngay cả tới bây giờ cũng
vậy, họ nói cái gì cũng rất là dè dặt”
Hàng
chục năm sống dưới chế độ bao cấp, anh Mài cho biết không khỏi bỡ ngỡ
khi phải hội nhập vào xã hội tư bản, nơi mà ai cũng phải cạnh tranh để
tồn tại và phát triển. Anh chia sẻ:
“Làm
việc ở các nhà máy bên Đông Đức, tuy nó có định mức nhưng làm việc cũng
nhẹ nhàng thôi. Thế nhưng khi mà làm việc bên Tây Đức thì cường độ nó
cao hơn, nhưng tất nhiên là thu nhập cũng cao hơn. Và cái tâm lý lo lắng
mất việc làm thì nó thường trực trong đầu của người Việt mình hơn. Bên
Đông Đức thì không có như thế, công ăn việc làm không phải lo gì cả”
Khi
nước Đức thống nhất, chị Anh Đào có dịp làm quen với một cộng đồng
người Việt mới đến từ bên kia bức tường Bá Linh. Chị nhận xét:
“
Giữa người Việt Đông Đức và Tây Đức thì riêng em, em có nhận xét là từ
sinh viên du học cho đến những người tị nạn hầu như ai cũng có một kết
quả rất tốt. Họ không có nhiều criminel ( tội phạm) nhiều như sau khi mở
bức tường. Sau khi mở bức tường, bên Đông Đức thì có những gia đình
sống mực thước, nhưng cũng có những người bên Đông Đức hợp tác lao động
muốn tiến thật xa cho nên họ làm tất cả những cái gì mà họ có thể làm.
Những hành động của họ, những việc làm của họ, họ không sợ hậu quả xấu
cho công đồng hoặc là đối với người Đức”
Sau
thời gian cần thiết để ổn định cuộc sống mới, vẫn như câu tục ngữ ngàn
đời của Việt Nam “phi thương bất phú”: người Việt, đa số từ Đông Đức đã
lập nên khu thương mại nổi tiếng Đồng Xuân với hơn 250 gian hàng, khu
buôn bán sầm uất của hơn 4000 người Việt sống hợp pháp và bất hợp pháp.
Anh Mài nói:
“Khi
mà bức tường đổ thì chúng tôi đại đa số đều thất nghiệp hết. Mạnh ai
thì người ấy lo cho bản thân. người Việt mình chủ yếu là lo buôn bán để
kiếm tiền, bởi vì buôn bán đối với người Việt mình dễ dàng hơn. Và người
Việt mình chịu khó đi len lỏi khắp nơi để mà kiếm tiền”
Với
hơn 120.000 người Việt đang sống tại Đức, trong đó có khoảng 88.000
người có giấy tờ hợp pháp và phần còn lại sống bất hợp pháp. Cộng đồng
Việt Nam tại Đức có thể được chia ra thành 4 nhóm: 1 nhóm rất ít là sinh
viên du học trước 1975, nhóm thứ hai gồm khoảng 40.000 người là thuyền
nhân tị nạn Cộng sản. Nhóm thứ ba gồm khoảng 20.000 người ở lại sau khi
bức tường bá Linh sụp đổ và nhóm thứ tư cũng khoảng 40.000 người đến Đức
bằng đủ mọi ngõ ngách khác nhau, đa số là sống bất hợp pháp. Nhóm thứ
nhất và thứ nhì đã hoàn toàn ổn định ở xã hội Đức, đa số thành công và
là mẫu mực của sự hội nhập. Nhóm thứ ba và thứ tư sống co cụm như là một
xã hội Việt Nam thu nhỏ ở phần phía Đông của nước Đức.
Nói
chung, người Việt Tây Đức sống rãi rác và hoà nhập vào xã hội Đức,
trong khi đó người Việt ở Đông Đức sống gần như tập trung trong một xã
hội riêng của họ. Sinh hoạt của họ cũng mang ít nhiều mô hình của chế độ
Cộng sản. Chị Mai nói:
“
Vẫn như hồi xưa…!!! Trong nước ra như thế nào thì trong nước vẫn như
thế. Nói chung là cái mô hình họ mang từ Việt Nam sang. Tức là họ vẫn có
công đoàn, vẫn có hội phụ nữ, vẫn có chi bộ, rồi vẫn có đoàn thanh
niên, phụ nữ…. Tất cả đều phải áp dụng trong đội quản lý người lao
động. Trước đấy, đi lao động thì hộ chiếu của bọn mình thì do sứ quán
giữ, mình không được giữ. Sau này người ta vẫn hội họp, vẫn sinh hoạt
kiểu như thế!”
Dù
nước Đức đã ăn mừng 20 năm, rồi 25 năm thống nhất và phát triển, cộng
đồng người Việt tại Đông Đức này vẫn hầu như đi bên lề sự hội nhập ấy,
dù họ cũng có những phát triển theo cách riêng của họ. Theo chị Anh Đào,
một sự hoà hợp là khó có thể.
“Không
thể hoà hợp được , là vì theo em thấy, những anh chị em sống bên Đông
Đức hình như họ vẫn còn dưới một sự control (kiểm soát) của toà đại sứ
Việt Nam. Có thể họ có những cái không đồng ý nhưng vì gia đình họ vẫn
còn ở Việt Nam hoặc là một cái lợi riêng gì của họ cho nên họ không thể
hoà đồng hoặc là nói lên những gì họ muốn nói”
Bức
tường Bá Linh đã được san bằng, nhưng những khác biệt về tư tưởng sau
30 năm chia lìa vẫn còn đó. 25 năm tuy dài nhưng vẫn chưa đủ cho một
cuộc thống nhất trong tư duy nếu không có sự nổ lực từ hai phía. Bức
tường Bá Linh đã đổ, nhưng đâu đó vẫn còn một bức tường Bá Linh trong
lòng mọi người.
Tường An (RFA)
0 nhận xét: