Bắt mạch Hiến… nháp (tt)

7.  Chứng "Bất chấp"

Khi "đại ngôn" thì ít nhiều đã "bất chấp". Nhưng trong phần này, ta chỉ đề cập đến một số điều hiến định thuộc loại rất bất chấp thực tế.

7.1.
Hai khoản đầu của Điều 2 Hiến pháp 2013 là:
"1. Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân."
"2. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức."
Nhà nước này có phải là "nhà nước pháp quyền", "của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân" hay không? Nước này có phải là "do Nhân dân làm chủ"  "tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân" hay không? Thông qua thực tế, nhà cầm quyền đã liên tục đưa ra câu trả lời phủ định. Ở đây, chỉ cần đề cập một ví dụ: Việc cương quyết không chấp nhận để Nhân dân phúc quyết Hiến pháp đã chứng tỏ, rằng Nhà nước này không phải "của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân"! Và cái gọi là "Nhà nước… do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân" chỉ là chuyện hư cấu bất chấp thực tế mà thôi.

Không phải hiến pháp nước nào cũng được đem ra phúc quyết toàn dân. Khi không có ai đòi đem Hiến pháp ra phúc quyết, thì cũng chẳng nhất thiết phải phúc quyết. Khi bộ máy cầm quyền thừa sức ngụy tạo ra kết quả bỏ phiếu theo ý muốn của họ, thì cũng chẳng nên kỳ vọng vào giá trị khách quan của việc phúc quyết. Nhưng nếu một lực lượng công dân đòi hỏi phải đem Hiến pháp ra phúc quyết toàn dân, thì không ai có quyền phủ quyết đòi hỏi đó. Bởi về lý mà nói, dù có quyền cao, chức trọng đến đâu trong bộ máy cầm quyền, thì bất cứ ai cũng chỉ là công dân bình đẳng với mọi công dân.

Giả sử các đại biểu Quốc hội được Nhân dân bầu ra một cách thực sự dân chủ (tiếc rằng thực tế không phải như vậy), thì Nhân dân cũng chỉ trao cho họ quyền đại diện về những điều mà họ đã thể hiện và tuyên bố công khai trước toàn thể cử tri, từ trước khi họ được bầu, và cử tri đã dựa vào đó để bầu họ. Nếu trước khi đắc cử tuyên bố sẽ ủng hộ "phương án A", thì sau đó không thể nhân danh đại biểu của Nhân dân để phản đối "phương án A". Nếu trước khi bỏ phiếu, cử tri không được biết gì hơn về các ứng cử viên ngoài mấy dòng lý lịch trích ngang vô hồn, thì người đắc cử không thể nghiễm nhiên cho rằng mình đã được cử tri ủy thác quyết định bất cứ việc gì. Không thể quan niệm rằng Nhân dân đã trao cho đại biểu Quốc hội quyền quyết định mọi vấn đề, như thể trao cho họ tập séc khống, muốn ghi gì và ghi bao nhiêu vào đó cũng được.

Chưa bao giờ Nhân dân ủy thác cho Quốc hội phủ định quyền phúc quyết của Nhân dân. Vì vậy, nếu muốn phản đối việc phúc quyết Hiến pháp, thì đại biểu Quốc hội phải tổ chức lấy biểu quyết cử tri mà mình đại diện, xem đa số cử tri có ủng hộ dự định đó hay không. Chẳng hề xin ý kiến cử tri, mà Quốc hội vẫn ngang nhiên bác bỏ đòi hỏi phúc quyết Hiến pháp của một lực lượng công dân, thì đó là bằng chứng cho thấy: Quốc hội đã bất chấp thực tế khi khẳng định trong Hiến pháp rằng Nhà nước này là "của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân", "do Nhân dân làm chủ" và "tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân".

7.2.
"1. Đảng Cộng sản Việt Nam… đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc…
2. Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình.
3. Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật."
Như đã phân tích trong bài "Uẩn khúc trong Điều 4 Hiến pháp", tất cả các nội dung được trích ở trên đều thuộc dạng"công chứng bất chấp hiện trạng của nguyên bản". Thay vì viết rõ đó là những đòi hỏi mà ĐCSVN phải chấp nhận và phải thực hiện, thì họ lại cố tình bỏ đi mấy chữ "phải", biến các đòi hỏi pháp lý thành những mệnh đề khẳng định,như thể ĐCSVN đã và đang đạt được những điều mà trên thực tế không hề đạt.

Vốn dĩ, Điều 12 Hiến pháp 1992 quy định rõ ràng rằng:
"Các cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và mọi công dân phải nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp, pháp luật…"
Nay nội dung trên được "hóa thân" tại Khoản 1 Điều 8 Hiến pháp 2013 như sau:
"Nhà nước được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật…"
Vậy là trách nhiệm hiến định "phải nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp, pháp luật" của "các cơ quan Nhà nước" "đơn vị  vũ trang nhân dân" không còn nữa. Thay vào đó, chỉ còn hiến định là "Nhà nước được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật", tức không hề có từ "phải", hay tương tự, để thể hiện trách nhiệm hiến định. Nghĩa là, học theo tấm gương xấu của Điều 4, Khoản 1 Điều 8 Hiến pháp 2013 cũng trở thành dạng "công chứng bất chấp hiện trạng của nguyên bản", như thể "Nhà nước đang được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật", bất chấp thực tếmà người người đều rõ.

7.3.
"Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân…"
"Quyền làm chủ của Nhân dân" là gì? Cái này mờ ảo như trời cao, nên thôi, không bàn ở đây. Còn "quyền con người, quyền công dân" thì cụ thể hơn, thiết thân hơn, nên buộc phải đặt ra câu hỏi: "Nhà nước… bảo đảm quyền con người, quyền công dân" như thế nào?

Như ta đều biết, quyền con người, quyền công dân thường xuyên bị bộ máy cầm quyền xâm phạm, ví dụ như trường hợp "Bốn công an dùng nhục hình, xát ớt bột vào hạ bộ một thanh niên". Để tránh bị lên án, khi ra tay chỉ lớp quan chức dưới cùng mới xuất đầu lộ diện. Kín kẽ hơn, họ huy động cả đám "quần chúng bức xúc" hay "côn đồ tự phát" để "ném đá dấu tay". Thậm chí, cho cả sĩ quan công an giả dạng dân thường, như trường hợp công an giả làm thợ cưa đá dưới chân tượng Lý Thái Tổ vào sáng 19/1/2014, để ngăn cản một số công dân dâng hương hoa, nhằm tưởng niệm các chiến sĩ đã hy sinh, nhân kỷ niệm 40 năm ngày Hoàng Sa bị mất vào tay Trung Quốc. Nhưng những màn kịch ấy không thể ngụy trang, che dấu được trách nhiệm của các cấp lãnh đạo. Ai cũng hiểu rằng: Nếu lãnh đạo cấp trên không đồng tình, không đứng sau những trò hề ấy, thì họ đã chấn chỉnh, ra lệnh cho cấp dưới chấm dứt ngay những hành động vi hiến, phi pháp, đàn áp người dân thực thi các quyền hiến định.

Điều khiến lãnh đạo tầng trên cùng, từ Bộ trưởng trở lên, không thể phủ nhận trách nhiệm, là chính họ ký tên ban hành các văn bản pháp quy vi hiến và phi pháp để phủ định quyền con người, quyền công dân, như đã đề cập trong bài "Lực cản Nhà nước pháp quyền". Qua đó ta thấy rõ, Điều 3 Hiến pháp 2013 bất chấp thực tế đến mức nào. Thiết tưởng cũng chẳng cần bàn thêm, nhưng tiện đây, xin bổ sung thêm một ví dụ tương đối mới.

Theo thông tin trên trang Bauxite Việt Nam vào ngày 24/2/2014, Công an Quận 4 Thành phố Hồ Chí Minh đã phát đến từng hộ dân “Phiếu Tố giác Tội phạm” (xem Ảnh 8). Trong đó, "Kích động, nói xấu chế độ"  tội số một, "Vận động khiếu kiện tập thể"  tội đứng thứ hai, trên cả tội "cướp của". Đây là một bằng chứng hùng hồn về việc bộ máy cầm quyền vi phạm quyền con người, quyền công dân.


Ảnh 8: Phiếu Tố giác Tội phạm do Công an phát cho các hộ dân (Nguồn: Bauxite Việt Nam)

Lạ thay cái tội "nói xấu chế độ"! Không ai có thể phủ định thực tế, là chế độ này không thiếu biểu hiện xấu. Xấu đến mứcChủ tịch nước Trương Tấn San phải gọi một số đồng chí là "bầy sâu". Và Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thi Doan cũng thừa nhận: "Người ta ăn của dân không từ cái gì". Nếu ai đó nói về những cái xấu ấy của chế độ, thì cũng chỉ là phản ánh cái sự thật mà muôn người đều biết, trong khuôn khổ tự do ngôn luận, được hiến định tại Điều 25 Hiến pháp 2013. Tại sao lại quy kết người "nói xấu chế độ đúng sự thật"  "tội phạm", rồi ra tay trừng phạt? Đó là "công lý xã hội chủ nghĩa" hay sao?

Lẽ ra, chỉ nên coi những người "bịa đặt về chế độ"  "tội phạm". Song khi đó, phải kết tội tất cả những ai "nói không thành có", kể cả những vị thường bịa đặt những chuyện tốt không có thật để gán cho chế độ, cái hành vi thường được coi là "ca ngợi chế độ". Tội bịa đặt để "ca ngợi chế độ" rất đáng bị trừng phạt. Bởi nó làm hại người dân, khiến họ ấm ức, phải chịu đựng lâu hơn những nỗi khổ bị thuyết minh là hạnh phúc. Mặt khác, nó làm hại chính bản thân chế độ, vì thôi miên và đánh lừa bộ máy cầm quyền: Đang mang trong mình những khối u ác tính, mà lại bị lừa (và tự lừa) là vẫn khỏe mạnh, nên chủ quan, không chịu điều trị kịp thời, đợi đến khi di căn khắp nơi, thì… vô phương cứu chữa.

Đặc biệt, trong “Phiếu Tố giác Tội phạm”, "Vận động khiếu kiện tập thể" bị coi là "tội" thuộc phạm trù "An ninh chính trị". Trên thực tế, "khiếu kiện tập thể" thường bắt nguồn từ lý do kinh tế, không vì mục tiêu chính trị. Tước quyền sử dụng đất của bao nông dân quanh năm "bán mặt cho đất bán lưng cho trời", mà bồi thường không thỏa đáng, thì đương nhiên các nạn nhân phải cùng nhau bảo vệ tài sản của mình. Và nếu tự vệ không nổi, thì phải cùng nhau khiếu kiện, gọi là "khiếu kiện tập thể", để đòi lại công bằng. Hành động hợp tình, hợp lý như vậy, mà lại bị chính quyền cản cấm và đàn áp, thì dù ngu ngơ đến đâu cũng có thể đoán ra vai trò giật dây của thế lực tham nhũng. Cho nên, nhiều khi "vận động khiếu kiện tập thể" cũng là "vận động tập thể chống tham nhũng". Coi "vận động tập thể chống tham nhũng"  "tội" đe dọa "an ninh chính trị", tức là "tội chống chế độ", thì chẳng khác nào khẳng định rằng "tham nhũng là bản chất của chế độ này", nên"chống tham nhũng là chống chế độ". Hay đó chỉ là hành vi xuyên tạc của thế lực cầm quyền, "nhân danh bảo vệ chế độ để bảo vệ tham nhũng"?

Như đã chỉ ra trong bài "Lực cản Nhà nước pháp quyền", Điều 74 Hiến pháp 1992 hiến định "quyền khiếu nại" không hạn chế; Luật khiếu nại, tố cáo số 09/1998/QH10 chấp nhận đích danh việc "nhiều người khiếu nại, tố cáo về cùng một nội dung"  "cử đại diện để trình bày", nghĩa là chấp nhận những vụ khiếu nại của nhiều người cùng đứng tên. Cho nên, việc Chính phủ ban hành Nghị định số 136/2006/NĐ-CP và Thanh tra Chính phủ ban hành Thông tư số 04/2010/TT-TTCP, trong đó không chấp nhận "đơn khiếu nại có chữ ký của nhiều người", là hành vi vi phạm thô bạo Hiến pháp và luật. Điều 30 Hiến pháp 2013 tiếp tục hiến định "quyền khiếu nại" không hạn chế. Thêm vào đó, Điều 14 Hiến pháp 2013quy định: "Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật". Vì nghị định và thông tư không phải là luật, nên tính vi hiến của Nghị định số 136/2006/NĐ-CP  Thông tư số 04/2010/TT-TTCP càng trở nên rõ ràng hơn. Như vậy, không có bất kỳ văn bản pháp lý hợp hiến nào cho phép nhà cầm quyền khước từ "khiếu kiện tập thể".

Việc "vận động khiếu kiện tập thể" thuộc quyền công dân, trong khuôn khổ tự do hội họp, lập hội, được hiến định tạiĐiều 25 Hiến pháp 2013. Thế thì tại sao công an lại coi hành động ấy là tội, thậm chí là trọng tội?

“Phiếu Tố giác Tội phạm” có vi hiến, phi pháp hay không? Điều đó đã quá rõ, nhưng các tác giả khoác áo công an hoàn toàn không quan tâm. Họ chỉ viết ra những tư duy sai trái đã ngấm sâu vào tiềm thức và hóa thành bản năng. Đó mới là điều đáng lo ngại.

Độc tài có nghĩa là phi dân chủ. Đã phi dân chủ thì thường vi phạm quyền con người, quyền công dân. Cho nên, nếu nóibộ máy độc tài "bảo đảm quyền con người, quyền công dân", thì quả là hoang đường, bất chấp thực tế.

7.4.
Khoản 2 Điều 35 Hiến pháp 2013 viết:
"Người làm công ăn lương được bảo đảm các điều kiện làm việc công bằng, an toàn…"
Để hiểu "điều kiện làm việc công bằng" như thế nào, hãy đọc bài của Hữu Công đăng trên VnExpress ngày 27/8/2013:
"Công ty TNHH một thành viên Thoát nước đô thị chi lương cả năm 2012 cho Giám đốc là 2,6 tỷ đồng (hơn 200 triệu đồng mỗi tháng), Chủ tịch Hội đồng thành viên 1,6 tỷ đồng, Kế toán trưởng 1,67 tỷ đồng, Phó giám đốc 969 triệu đồng. Trong khi đó, lương bình quân người lao động mùa vụ tại công ty này là 5,4 triệu đồng mỗi tháng."
Ai là người phải trả giá cho mức lương "công bằng" của các vị Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Kế toán trưởng, Phó giám đốc? Hiển nhiên, những người lao động "thấp cổ bé họng" thuộc vào số đó:
"Công ty Thoát nước đô thị bị kết luận "vi phạm quy định của Bộ luật Lao động" khi ký hợp đồng mùa vụ với thời hạn dưới 3 tháng đối với 163 người lao động thường xuyên và ký hợp động có thời hạn 3 năm đối với 355 trường hợp đủ điều kiện ký hợp đồng không xác định thời hạn."
Thật là "công bằng" hết chỗ nói!

Để đánh giá "điều kiện làm việc… an toàn" đến mức nào, hãy nhớ lại vụ sập cầu Cần Thơ vào sáng ngày 26/7/2007, khiến hơn 50 người bị chết và gần 200 người bị thương. Một năm sau tai nạn khủng khiếp đó, ngày 2/7/2008 Ủy ban Nhà nước Điều tra sự cố sập hai nhịp cầu dẫn cầu Cần Thơ đã công bố Báo cáo tóm tắt về kết quả điều tra, rằng
"Tình huống rủi ro, khó lường trước" có nghĩa là "lỗi tại Trời". Không phải do thiết kế sai. Không phải do thi công sai. Không phải do bớt xén nguyên liệu. Vậy là hòa cả làng. Chỉ các nạn nhân là có lỗi, do xuất hiện không "đúng nơi, đúng lúc", nên đành phải "chết… đúng quy trình". Một công trình phức tạp như thế, mà
Sử dụng cả "nông dân mặc áo công nhân", "chưa một ngày qua đào tạo kỹ thuật cơ bản", để xây cầu "siêu cấp", thì không bị sập mới là chuyện lạ.

Nếu ai cho rằng đó chỉ là chuyện của quá khứ xa xôi, thì nên xem thêm bài tổng hợp "Những sự cố xây dựng nghiêm trọng năm 2012" của Đỗ Tuyết trên báo Giáo dục Việt Nam (đăng ngày 24/12/2012), để ôn lại vụ sập giàn giáo tại Khu đô thị mới Mỗ Lao ở Hà Nội vào ngày 21/2/2012 (khiến "nhiều công nhân rơi từ tầng 7 cao ốc – 6 người thương nặng, 1 người chết"); vụ sập giàn giáo tại công trường xây dựng nhà Nam Đô Complex ở Hà Nội vào ngày 5/11/2012 (khiến "hai công nhân rơi từ tầng 18" và tử vong)… Trong bài đăng trên báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh (ngày 26/2/2014), Nguyễn Dân viết: "Năm 2013, toàn quốc đã xảy ra 6.695 vụ tai nạn lao động, làm 627 người chết, hơn 6.000 người bị thương, gây thiệt hại về vật chất lên tới hơn 70 tỉ đồng."

Hiển nhiên, trong một nền kinh tế thị trường, được cộng hưởng bởi tham nhũng hoành hành, thì không có cái gọi là "điều kiện làm việc công bằng". Cũng hiển nhiên không kém, trong mọi chế độ, tai nạn lao động là điều khó tránh khỏi một cách tuyệt đối. Vậy thì tại sao Quốc hội lại bất chấp thực tế mà hiến định rằng "Người làm công ăn lương được bảo đảm các điều kiện làm việc công bằng, an toàn"?

7.5.
Khoản 5 Điều 103 Hiến pháp 2013 viết:
"Nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm."
Ngay cả với chế độ này, thì "tranh tụng trong xét xử" cũng không phải khái niệm quá xa lạ. Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới”, ban hành ngày 2/1/2002, đã xác định:
"Việc phán quyết của toà án phải căn cứ chủ yếu vào kết quả tranh tụng tại phiên toà, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện các chứng cứ, ý kiến của kiểm sát viên, của người bào chữa, bị cáo, nhân chứng, nguyên đơn, bị đơn và những người có quyền, lợi ích hợp pháp để ra những bản án, quyết định đúng pháp luật, có sức thuyết phục và trong thời hạn quy định."

Nhưng nghị quyết nào cũng tỏ ra vô dụng, nguyên tắc "tranh tụng trong xét xử" hầu như không được tôn trọng trên thực tế. Để minh họa, chỉ cần nhắc đến trường hợp của ông Nguyễn Thanh Chấn, trú tại xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, người còn may mắn được minh oan sau 10 năm chấp hành án phạt chung thân về tội “giết người”. Nguyên nhân dẫn đến án oan sai đã được Nguyễn Trường thuật lại trên báo Tiền phong ngày 7/11/2013:
"Luật sư Nguyễn Đức Biền, người được chỉ định bào chữa cho ông Nguyễn Thanh Chấn 10 năm trước, từng chỉ ra 5 điểm thiếu sót trong quá trình tố tụng. Tuy nhiên, các ý kiến của ông không được xem xét thỏa đáng…"
Và ông Biền đã khẳng định:
"Tôi cho rằng, đây là sai lầm nghiêm trọng trong quá trình tố tụng, nhưng đáng tiếc Hội đồng xét xử không hề để ý gì đến các lập luận của luật sư cũng như sự phản cung của bị cáo tại phiên tòa. Điều này cũng là nguyên nhân dẫn tới kết luận một cách phi lý của Hội đồng xét xử, khẳng định ông Chấn giết người một cách oan ức."

Đây không phải là trường hợp cá biệt, mà là một ví dụ điển hình. Khi phán quyết theo "bản án bỏ túi" đã trở thành thông lệ, thì hiển nhiên quan tòa không chấp nhận "tranh tụng trong xét xử". Vậy nên, khẳng định trong Hiến pháp rằng"nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm" là hoàn toàn bất chấp thực tế.

7.6.
"Mọi người có quyền sống. Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật."
"Điều 21  Mọi người có quyền sống."
Bài "Teo dần quyền con người trong Hiến pháp" đã chỉ ra rằng: Đó là một mệnh đề vừa vô nghĩa, vừa giả tạo, nếu nhà cầm quyền vẫn có ý định duy trì án tử hình, bởi vì tử hình bất kỳ ai cũng là vi phạm "quyền sống" của người ấy.

Phải chăng nội dung "nghe rất kêu" ấy được chép từ Điều 3 của The Universal Declaration of Human Rights ("Tuyên bố chung về Quyền con người", thường được dịch ra tiếng Việt là "Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền"), được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua ngày 10/12/1948? Có điều, "Tuyên bố" hay "Tuyên ngôn" không nhất thiết có giá trị pháp lý, tức là không bắt buộc mọi quốc gia đều phải thực hiện, nên một số nước đã ký tán thành vẫn tiếp tục duy trì án tử hình. Còn nếu mệnh đề "Mọi người có quyền sống" đã được ghi vào Hiến pháp của nước nào (ví dụ như trong Khoản 2 Điều 2 của Hiến pháp Đức), thì Nhà nước đó không thể duy trì án tử hình.

Lý lẽ ủng hộ việc bãi bỏ án tử hình không chỉ xuất phát từ lý do tín ngưỡng hay nhân đạo, mà còn vì trên thực tế không hiếm những bản án oan sai. Nếu còn sống thì còn có cơ hội được minh oan, nhưng nếu xử tử rồi mới phát hiện oan sai, thì sửa sai bằng cách nào? Theo thông tin của tổ chức Amnesty International (Ân xá Quốc tế), tính đến năm 2012 có khoảng 2/3 các nước trên Thế giới đã xóa bỏ án tử hình ra khỏi luật, hoặc xóa bỏ án tử hình trên thực tế (98 nước xóa bỏ án tử hình trong luật đối với mọi tội, 7 nước xóa bỏ án tử hình trong luật cho các tội thông thường, 35 nước xóa bỏ án tử hình trên thực tế).

Nếu thuộc vào số 1/3 các nước trên Thế giới vẫn duy trì án tử hình, thì có thể coi quy định về "Quyền sống" trong European Convention on Human Rights (Công ước châu Âu về Nhân quyền) là một hình mẫu đáng tham khảo:
1. Quyền sống của mọi người được bảo vệ bằng luật. Không được cố ý tước mạng sống của bất kỳ ai, trừ trường hợp thi hành án tử hình, do tòa tuyên án đối với tội danh mà luật có quy định án tử hình.
2. Việc tước mạng sống không bị coi là vi phạm điều này, nếu nó bị gây ra bởi sử dụng vũ lực không vượt quá mức tuyệt đối cần thiết, nhằm:
(a) bảo vệ ai đó trước bạo lực phi pháp;
(b) tiến hành bắt giữ đúng luật, hay ngăn cản người bị giam giữ đúng luật bỏ trốn;
(c) dẹp tắt một cách đúng luật một cuộc nổi loạn hay nổi dậy."
Quy định này không hề khẳng định "Mọi người có quyền sống", mà chỉ có mệnh đề "Quyền sống của mọi người được bảo vệ bằng luật". Đáng lưu ý là: "Bảo vệ" chứ không phải là "bảo đảm"!

Lẽ ra, sau khi được góp ý, thì đơn giản nhất là loại bỏ mệnh đề "Mọi người có quyền sống" ra khỏi bản Dự thảo. Song có thể vì quá sĩ diện, họ vẫn cố bảo lưu nó đến cùng, rồi bổ sung hai mệnh đề "Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ" "Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật" để "chữa cháy". Nhưng càng chữa càng cháy, càng sửa thì càng sai…

Nội dung và ý nghĩa của mệnh đề "Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ" là gì? Khi tuyên bố như thế thì pháp luật sẽ có thêm quy định hay thủ thuật gì khác, so với trường hợp "tính mạng con người không được pháp luật bảo hộ"? Những đặc điểm nhận dạng nào có thể giúp ta phân biệt loại "pháp luật bảo hộ" với loại "pháp luật không bảo hộ tính mạng con người"? Với những điều khoản "bảo hộ" bổ sung thì tính mạng con người có an toàn hơn hay không? Câu trả lời sẽ cho thấy "nồng độ pháp lý" của mệnh đề "… được pháp luật bảo hộ" chỉ xấp xỉ… 0%. Và đó cũng là đặc điểm điển hình của nhiều điều khoản "ưu việt" trong Hiến pháp Việt Nam.

Có lẽ "sứ mạng" của mệnh đề "Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật" chỉ là "đánh tiếng", rằng tuy tuyên bố "Mọi người có quyền sống", nhưng thực ra vẫn tiếp tục duy trì án tử hình. Với lối "nói lấy được", bất chấp nội dung câu chữ, Điều 19 Hiến pháp 2013 trở thành "siêu vi hiến", bởi vì nó mâu thuẫn với chính nó.

Trớ trêu thay, hàng ngày trên toàn quốc có bao người "bị tước đoạt tính mạng", do cố ý giết người để cướp của hay vì ân oán, do ngộ sát hay tai nạn giao thông Nhà nước, với tất cả các thủ thuật pháp luật và bộ máy vũ trang khổng lồ, không thể "bảo đảm" các nạn nhân tránh được cái chết. Ngược lại, một số người dân còn bị chính công an hãm hại.

Hãy xem bài "Khởi tố 4 công an xã đánh chết người tại trụ sở" đăng trên Phụ nữ Online ngày 4/9/2012  Ảnh 9 để thấy được "hiệu quả làm việc" vào ngày 30/8/2012 của công an (ở huyện Đông Anh, Thủ đô Hà Nội) trên thi thể của ông Nguyễn Mậu Thuận.

Ảnh 9: "Hiệu quả làm việc" của công an (Nguồn: Phụ nữ Online)

Hãy xem bài "Chiếc dùi cui quật vào đâu?" trên báo Lao động ngày 28/3/2014, bình luận về "những lời khai rất khủng khiếp" của "5 công an dùng nhục hình đánh chết… nạn nhân Ngô Thanh Kiều" (vào ngày 13/5/2012 tại Thành phố Tuy Hòa).

Ngày 13/2/2014, lại "Thêm một người chết sau khi làm việc với công an", như Tuổi trẻ Online đã tường thuật (xemẢnh 10). Đó là chưa kể những vụ bị coi là "tự tử" ngay khi đang "làm việc" với công an, ví dụ như Huỳnh Nhất Trung (20 tuổi, ở Bình Định) "treo cổ tự tử chết trong nhà tạm giữ công an huyện Vân Canh" vào tối 11/3/2014; Bùi Thị Hương (42 tuổi, ở Bình Phước) "chết trong tư thế treo cổ bằng áo gió trên cửa phòng tạm giữ hành chính" vào ngày 17/3/2014…

Đó chỉ là mấy ví dụ đại diện cho bao cái chết oan uổng, được tường thuật công khai trên báo chí chính thống. Vậy mà họ vẫn ngang nhiên khẳng định trong Điều 19 Hiến pháp 2013 rằng "Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật." Quả là bất chấp thực tế đến tột cùng, tới mức khó có thể tìm được một từ thích hợp mà vẫn còn lịch sự để đánh giá. Chẳng nhẽ họ dự định sẽ ban hành luật để hợp pháp hóa, biến tất cả những oan hồn thành diện "bị tước đoạt tính mạng phù hợp với luật" hay sao?


Ảnh 10: Thân thể tử thi sau khi "làm việc" với công an (Nguồn: Tuổi trẻ Online)

7.7.
"Bất chấp" là tính cách khá phổ biến trong giới cầm quyền. Song không phải mọi thể hiện "bất chấp" trong Hiến pháp đều bắt nguồn từ tính cách ấy.

Hãy xem lại mệnh đề "Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật" trong Điều 19 Hiến pháp 2013. Hai chữ "trái luật" cho thấy câu này thực ra là một ràng buộc, đòi hỏi đối với phía Nhà nước, bởi chẳng có luật nào cho phép dân thường "tước đoạt tính mạng" của người khác. Như vậy, theo thông lệ lập hiến có thể viết rằng: "Không ai bị Nhà nước tước đoạt tính mạng trái luật" – tức là viết như một cam kết của Nhà nước. Song trên thực tế thì Nhà nước không thực hiện được cam kết này. Nên phải viết một cách chính xác là: "Nhà nước không được tước đoạt tính mạng của bất cứ ai một cách trái luật" – tức là viết như một đòi hỏi hiến định đối với Nhà nước. Nhưng có lẽ họ cho rằng viết như vậy sẽ ảnh hưởng đến sĩ diện của Nhà nước, hoặc đã rắp tâm sẽ lẩn tránh trách nhiệm, nên dở chiêu "mập mờ", xóa tên của chủ thể "tước đoạt tính mạng". Bị mất đối tượng đích thực là "Nhà nước", nội dung hiến định trở nên lệch lạc, không còn là cam kết hay đòi hỏi, mà trở thànhmệnh đề khẳng định một trạng thái hoàn toàn trái với thực tế. Chứng "mập mờ" gây ra chứng "bất chấp" là vậy.

Chứng "mập mờ" là một căn bệnh cố hữu trong Hiến pháp Việt Nam. Cũng vì sĩ diện hay lẩn tránh trách nhiệm, nên cố tình bỏ đi một số chữ "phải" (hay tương tự), khiến các đòi hỏi, ràng buộc hiến định trở thành những mệnh đề "công chứng bất chấp hiện trạng của nguyên bản", như đã phân tích trong bài "Uẩn khúc trong Điều 4 Hiến pháp". Chỉ cần thành tâm thêm chữ "phải" vào một số nơi cần thiết, thì khắc phục được ngay trạng thái "khẳng định bất chấp thực tế" của một số điều khoản liên quan. Ví dụ:
"Đảng Cộng sản Việt Nam phải gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình."
"Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam phải hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật."
"Nhà nước phải được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật…"
"Nhà nước phải bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; phải công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân…"
"Nguyên tắc tranh tụng trong xét xử phải được bảo đảm."

Tuy nhiên, thêm chữ "phải" vẫn chưa đủ để chứng "bất chấp" biến khỏi vòng Hiến pháp. Nó chỉ thay vai, đổi chỗ mà thôi: Nếu không thể hiện trong Hiến pháp một số nội dung dưới dạng bất chấp thực tế, thì trên thực tế lại bất chấp Hiến pháp. Có lẽ, do không thể tránh khỏi "bất chấp", và "bất chấp" khi lập hiến an toàn hơn "bất chấp" khi thi hành Hiến pháp, nên "mập mờ" trong Hiến pháp vẫn hơn. Ấy là nguyên do khiến chứng "bất chấp" cũng có thể gây ra chứng "mập mờ".

Nếu bất chấp cái Hiến pháp do thế hệ tiền nhiệm để lại thì có thể thông cảm phần nào, vì không phải mọi quy định trong cái Hiến pháp đã trở nên lỗi thời đều phù hợp với hoàn cảnh hiện tại. Nhưng nếu đem Hiến pháp ra sửa đổi mà vẫn duy trì hay bổ sung thêm những nội dung mà thế lực đương quyền đã, đang và sẽ không muốn, hay không thể thực hiện, thì đó là hành vi hiến định bất chấp thực tế. Chủ động hiến định bất chấp thực tế và sau đấy lại chủ động bất chấp Hiến pháp – đó là thái độ "bất chấp" không thể chấp nhận được!


8.  Chứng "Vu vơ"

Để mô tả căn bệnh này, ta chỉ cần dựa vào danh từ "chủ nghĩa xã hội" và tính từ "xã hội chủ nghĩa" trong Hiến pháp Việt Nam. Ban đầu, chúng không hề tồn tại trong Hiến pháp 1946. Sang Hiến pháp 1959, mỗi từ này xuất hiện đúng 6 lần. Nhiều nhất là trong Hiến pháp 1980, với 23 lần "chủ nghĩa xã hội" và 86 lần "xã hội chủ nghĩa". Sau khi Liên Xô và hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa ở châu Âu bị sụp đổ, Hiến pháp 1992 chỉ còn chứa 3 từ "chủ nghĩa xã hội" và 43 từ "xã hội chủ nghĩa". Sự biến thiên này cũng tương ứng với quá trình thăng trầm của một giấc mơ…

8.1.
Hiến pháp 2013 giữ nguyên 3 danh từ "chủ nghĩa xã hội", tại những vị trí tương tự như ở Hiến pháp 1992, trong đó có đoạn thứ ba của Lời nói đầu:
"Thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, kế thừa Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980 và Hiến pháp năm 1992, Nhân dân Việt Nam xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp này vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh."

Thử hỏi, "Cương lĩnh…" của ai? Của Đảng Cộng sản Trung Quốc, hay của Đảng Lao động Triều Tiên? Tại sao lại dấu tên chủ nhân của "Cương lĩnh…"? Phải chăng các nhà lập hiến hiểu ra, rằng không đảng nào có quyền lạm dụng Hiến pháp để áp đặt cả Dân tộc? Hay tránh nhắc tên, để khỏi gây phản cảm?

Nếu "Cương lĩnh…" của ĐCSVN, thì "Cương lĩnh…" nào? Là "Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội" được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của ĐCSVN thông qua ngày 27/6/1991? Hay là cái "Cương lĩnh…" do Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI chỉnh sửa, và hóa trang bằng mỹ từ "Bổ sung, phát triển năm 2011"? Phải chăng, không thể nói rõ bản "Cương lĩnh…" nào, vì biết trước sẽ còn phải tẩy xóa, chỉnh sửa nhiều lần nữa? Lấy đâu ra cái quyền để bắt cả Dân tộc phải răm rắp làm những điều mà bản thân họ cũng không dám tin là đúng?

Hiến định "Cương lĩnh…" một cách vu vơ như vậy phỏng có ích gì?

8.2.
Hiến pháp 2013 chứa 39 tính từ "xã hội chủ nghĩa", trong đó 33 lần thuộc về tên nước "Cộng hòa từ xã hội chủ nghĩa Việt Nam". Gán nó cho tên nước có hợp lý hay không? Điều này đã được đề cập trong bài "Quốc hiệu nào hội tụ lòng dân?" nên không cần nhắc lại ở đây nữa. 6 lần xuất hiện còn lại có thể chia thành hai nhóm.

Nhóm thứ nhất bao gồm:
"Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân." (Điều 2)
"Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế; kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo." (Điều 51)

"Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa" là gì? Trong "Nhà nước pháp quyền", không cá nhân và tổ chức nào có quyền đứng trên hay đứng ngoài Hiến pháp và luật, mọi quyền lực nhà nước đều bị ràng buộc và giới hạn bởi Hiến pháp và luật. Còn ở Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, quyền lực của ĐCSVN mới là cao nhất, không bị khống chế bởi bất cứ điều khoản cụ thể nào trong Hiến pháp và luật. Hiến pháp chỉ "thể chế hóa Cương lĩnh…" của ĐCSVN, và luật phải tuân theo Hiến pháp, nên về thực chất lãnh đạo ĐCSVN mới đóng vai trò quyết định và còn đứng cao hơn Hiến pháp và luật. Chẳng nhẽ đó là đặc trưng của "pháp quyền xã hội chủ nghĩa" hay sao?

"Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" là gì? "Xã hội chủ nghĩa" mù mờ bao nhiêu, thì "định hướng xã hội chủ nghĩa" luẩn quẩn bấy nhiêu. Càng tung hô "kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa", thì càng tỏ ra chẳng có định hướng nào cả.

Phải chăng hai khái niệm trên cũng tương tự như phạm trù "dân chủ xã hội chủ nghĩa"? Thường thì chế độ "phi dân chủ"hay được khẳng định là "dân chủ xã hội chủ nghĩa", tức là:
"Dân chủ xã hội chủ nghĩa" = "Phi dân chủ".
 Nếu như vậy thì cái đuôi "xã hội chủ nghĩa" được gắn sau từ "dân chủ" có ý nghĩa như chữ "phi" được gắn trước từ"dân chủ" (để phủ định). Áp dụng quy tắc ghép từ này, ta thu được:
"Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa" = "Nhà nước phi pháp quyền",
"Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" = "Kinh tế thị trường phi định hướng".
Bạn thấy kết quả suy luận này có phù hợp với thực tế hay không?

Nhóm thứ hai bao gồm:
"Bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là sự nghiệp của toàn dân." (Điều 64)
"Lực lượng vũ trang nhân dân… có nhiệm vụ… bảo vệ Nhân dân, Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa…" (Điều 65)
"Tòa án nhân dân có nhiệm vụ… bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa…" (Điều 102)
"Viện kiểm sát nhân dân có nhiệm vụ… bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa…" (Điều 107)

Nếu áp dụng quy tắc ghép từ ở trên, thì "Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa" có thể phiên dịch thành "Tổ quốc phi Việt Nam". Nghe có vẻ bất thường, nhưng nếu liên hệ với lối tư duy "truyền thống", coi lý tưởng và quyền lợi của giai cấp vô sản quốc tế cao hơn lợi ích của Tổ quốc Việt Nam, thì kết quả phiên dịch có phù hợp hay không?

Hãy bỏ qua ý phụ vừa rồi, để tập trung vào ý chính, mà chúng ta muốn trao đổi về nhóm thứ hai. Đó là: Có hay không cái gọi là "Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa"  "chế độ xã hội chủ nghĩa"?

Khi xuất hiện trong cụm từ "Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam", thì từ "xã hội chủ nghĩa" đóng vai trò tên gọi, được hiến định trong Hiến pháp. Nó chỉ để trang trí, không nhất thiết phải tương thích với thực trạng. Cũng tương tự như việc đặt tên "Cao" cho người lùn, tên "Mạnh" cho người yếu, tên "Tài" cho người thiểu năng… Dù không phù hợp với trạng thái, tính cách, thì người ấy vẫn tồn tại với tên gọi đó, không ai có thể phủ định.

Nhưng khi xuất hiện trong hai cụm từ "Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa"  "chế độ xã hội chủ nghĩa" thì "xã hội chủ nghĩa" không hề đóng vai trò tên gọi (được hiến định hay luật định), mà chỉ đơn thuần là một tính từ, phản ánh tính chất, đặc điểm thực tại của "Tổ quốc"  "chế độ".

Vậy "Tổ quốc"  "chế độ" này có phải là "xã hội chủ nghĩa" hay không? Nếu trước năm 2013 mà trả lời phủ định, thì có lẽ phải hứng chịu những đợt sóng thịnh nộ từ phía các "chiến binh cầm bút" của ĐCSVN. Nhưng may thay, trong buổi thảo luận của Quốc hội về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp vào sáng 23/10/2013, Tổng bí thư ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng đã thẳng thắn khẳng định cái điều mà bao người vẫn nghĩ, nhưng thường tránh nói ra:
Xin cảm ơn! Vậy là cả ngài cũng đã thừa nhận, rằng hiện tại và nhiều chục năm nữa, không thể coi "Tổ quốc" và "chế độ" này là "xã hội chủ nghĩa". Nói cách khác, thực tế không tồn tại cái gọi là "Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa" và "chế độ xã hội chủ nghĩa" trên đất nước Việt Nam!

Hóa ra, Hiến pháp 2013 quy định
"Bảo vệ Tổ quốc không tồn tại là sự nghiệp của toàn dân"
"Lực lượng vũ trang nhân dân, Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ chế độ không tồn tại."
Tại sao Quốc hội lại hiến định loại nhiệm vụ "vu vơ" đến như vậy?

*
*      *

Vẫn còn rất nhiều điều đáng bàn, song bài viết đã dài, và bằng ấy nội dung cũng đã đủ để cùng với hai bài "Hiến pháp 2013 – Sửa nhầm hay đổi thiệt?"  "Hiến pháp vi hiến" khắc họa chất lượng tầm bản nháp của cái văn bản mà 486 đại biểu Quốc hội khóa XIII đã nhất trí tán thành chọn làm Hiến pháp.

Tại sao lại bất chấp mọi khuyên can, thông qua bằng được một bản dự thảo Hiến pháp với chất lượng như thế?

Hiến pháp ấy có xứng đáng với truyền thống ngàn năm văn hiến của Dân tộc, với trí tuệ của hơn 90 triệu khối óc, với tầm tư duy của thời đại hay không?

Nhân dân ta có đáng phải chấp nhận một bản Hiến pháp như vậy hay không?

Câu hỏi chất chồng câu hỏi, băn khoăn quấn rối băn khoăn… Song buồn thay, những người đáng phải giải đáp lại cứ làm thinh.

* * * * * * * * * *


Phụ lục I

"Không được lợi dụng quyền con người, quyền công dân để xâm phạm lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác."
Như đã phân tích trong bài "Teo dần quyền con người trong Hiến pháp", đó là thủ đoạn lợi dụng… từ "lợi dụng" để biến những hoạt động chính đáng và hợp pháp của công dân thành tội lỗi, nhằm hạn chế trên lý thuyết và phủ định trên thực tế quyền con người, quyền công dân. Để tránh bị phê phán như vậy, họ đã bỏ bớt từ "lợi dụng" trong mệnh đề
"Không được lợi dụng quyền con người, quyền công dân để xâm phạm…"
và thay nó bằng
"Việc thực hiện quyền con người, quyền công dân không được xâm phạm…"


Phụ lục II

Về quyền tự do ngôn luận, báo chí và tiếp cận thông tin, Hiến pháp Đức quy định:
(1) Mọi người có quyền tự do phát biểu và phổ biến quan điểm của mình bằng lời nói, chữ viết và hình ảnh, và tự do tìm hiểu thông tin từ các nguồn có thể truy cập phổ thông. Tự do báo chí và tự do thông tin được đảm bảo. Không được kiểm duyệt.
(2) Những quyền này bị hạn chế bởi các quy định trong các luật phổ quát, bởi các quy định của Luật bảo vệ thanh thiếu niên, và bởi quyền được bảo vệ danh dự cá nhân.
(3) Nghệ thuật và khoa học, nghiên cứu và giáo dục là tự do. Quyền tự do giáo dục không miễn trừ trách nhiệm trung thành với Hiến pháp."
Về quyền tự do lập hội, Hiến pháp Đức quy định:
(1) Mọi người Đức có quyền lập hiệp hội và đoàn thể.
(2) Cấm các hội đoàn mà mục đích và hoạt động của chúng trái với Bộ luật hình sự, hoặc chống lại trật tự hiến định hay sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc.
(3) Quyền thành lập hội đoàn nhằm bảo vệ và thúc đẩy điều kiện lao động và kinh tế được bảo đảm cho mỗi người và mọi ngành nghề. Những thỏa thuận nhằm hạn chế hay cản trở quyền này đều không có hiệu lực, các biện pháp nhằm vào chúng đều là phi pháp. Các biện pháp theo Điều 12a, Điều 35 Khoản 2 và 3, Điều 87a Khoản 4 và Điều 91 không được chống lại các hoạt động đình công nhằm bảo vệ và thúc đẩy điều kiện lao động và kinh tế của các hội đoàn được đề cập tại Khoản 1."


Phụ lục III

"Convention on the Rights of the Child", thường được dịch ra tiếng Việt là "Công ước về Quyền trẻ em", chỉ có điều sau đây là có vẻ gần nhất với nội dung "trẻ em được tham gia vào các vấn đề về trẻ em":
"Article 12
1. States Parties shall assure to the child who is capable of forming his or her own views the right to express those views freely in all matters affecting the child, the views of the child being given due weight in accordance with the age and maturity of the child.
2. For this purpose, the child shall in particular be provided the opportunity to be heard in any judicial and administrative proceedings affecting the child, either directly, or through a representative or an appropriate body, in a manner consistent with the procedural rules of national law."

 

Trong văn bản tiếng Việt tại website của tổ chức UNICEF (Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc), điều này được dịch như sau:

"Điều 12
1. Các quốc gia thành viên phải đảm bảo cho trẻ em có đủ khả năng hình thành quan điểm riêng của mìnhđược quyền tự do phát biểu những quan điểm đó về tất cả các vấn đề có ảnh hưởng đến trẻ em và những quan điểm của trẻ em phải được coi trọng một cách phù hợp với tuổi và mức độ trưởng thành của trẻ em.
2. Vì mục đích đó, trẻ em phải được đặc biệt tạo cơ hội nói lên ý kiến của mình trong bất kỳ quá trình tố tụng tư pháp hoặc hành chính nào có ảnh hưởng đến trẻ em, trực tiếp hoặc thông qua một người đại diện hay một cơ quan thích hợp, theo cách thức phù hợp với những quy định mang tính thủ tục của pháp luật quốc gia."

Có lẽ ý "trẻ em được… phát biểu… quan điểm… về tất cả các vấn đề ảnh hưởng đến trẻ em" trong đoạn dịch trên đã hóa thân thành cụm "trẻ em được tham gia vào các vấn đề về trẻ em" trong Khoản 1 Điều 37 Hiến pháp 2013. Trước khi lý giải nguyên do hình thành, xin lưu ý ba khía cạnh mà người đọc có thể hiểu lầm qua bản dịch tiếng Việt của UNICEF.

Thứ nhất, từ "trẻ em" bóng bẩy có thể khiến người đọc hiểu lầm rằng nó dành cho cả "giới trẻ em", giống như từ "thanh niên" dành cho cả "giới thanh niên" và từ "người cao tuổi" dành cho cả "cộng đồng những người cao tuổi". Thực ra, "the child" (số ít) chỉ là dành riêng cho cá nhân từng "đứa trẻ" cụ thể.

Thứ hai, người đọc có thể hiểu lầm, rằng Điều 12 đòi hỏi "các quốc gia thành viên phải bảo đảm cho trẻ em" hai thứ: Một là "có đủ khả năng hình thành quan điểm riêng của mình"; hai là "được quyền tự do phát biểu những quan điểm đó về mọi vấn đề tác động đến trẻ em". Vì hiểu như thế, nên trong văn bản tiếng Việt tại website của Trung tâm Nghiên cứu Pháp luật về Quyền con người và Quyền công dân (thuộc Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh), người ta đã dùng thêm dấu phẩy để phân tách hai thứ đó:
"Các quốc gia thành viên phải bảo đảm cho trẻ em có đủ khả năng hình thành quan điểm riêng của mình,được quyền tự do phát biểu những quan điểm đó về mọi vấn đề tác động đến trẻ em…"
Nhưng không phải như vậy! Điều 12 chỉ đòi hỏi "các quốc gia thành viên phải bảo đảm" một thứ thôi, đó là "cho trẻ em… được quyền tự do phát biểu những quan điểm…", và "quyền tự do phát biểu" đó chỉ cần được bảo đảm cho loại "trẻ em có đủ khả năng hình thành quan điểm riêng của mình" mà thôi.

Thứ ba, cụm từ "mọi vấn đề tác động đến trẻ em" dễ khiến người đọc hiểu lầm là "mọi vấn đề tác động đến" cả giới "trẻ em" nói chung, trong khi "all matters affecting the child" chỉ có nghĩa là "tất cả các vấn đề ảnh hưởng đến đứa trẻ", tức là" ảnh hưởng đến" chính bản thân cá nhân "đứa trẻ" (đang được đề cập).

Thực ra, Điều 12 của "Công ước về quyền trẻ em" chỉ quy định về trách nhiệm phải quan tâm đến nguyện vọng của đứa trẻ khi quyết định những chuyện liên quan đến bản thân nó, chứ không phải là quan điểm của trẻ em về những vấn đề chung, liên quan đến cộng đồng trẻ em. Để tránh hiểu lầm, nên dịch Điều 12 của "Convention on the Rights of the Child"một cách "trần trụi" như sau:
"1. Các quốc gia thành viên phải đảm bảo cho những đứa trẻ nào có đủ khả năng hình thành quan điểm riêng được quyền tự do phát biểu quan điểm đó về mọi chuyện ảnh hưởng đến bản thân, và ý kiến của đứa trẻ phải được coi trọng thỏa đáng, tương ứng với độ tuổi và mức độ trưởng thành của nó.
2. Đặc biệt, vì mục đích đó, đứa trẻ phải được tạo cơ hội nói lên ý kiến của mình trong bất kỳ quá trình tố tụng tư pháp hoặc hành chính nào có ảnh hưởng đến , trực tiếp hoặc thông qua một người đại diện hay một cơ quan thích hợp, theo cách thức phù hợp với những quy định mang tính thủ tục của pháp luật quốc gia."

Sở dĩ ta dành thời gian để bàn kỹ về đoạn dịch trên, là để tìm hiểu cái lô-gíc hình thành của một loại "chân lý" sai lạc lưu truyền ở Việt Nam. Chúng vốn xuất hiện trong văn bản ngoại ngữ nào đó, khi du nhập vào Việt Nam, được người dịch chọn những từ hoa mỹ để chuyển ngữ một cách "hào phóng", thay cho cách thể hiện chính xác nhưng bị coi là thiếu văn vẻ. Ví dụ, có thể dịch "the child" thành "đứa trẻ", như vậy vẫn giữ nguyên được trạng thái số ít. Nhưng có lẽ người dịch e rằng như vậy hơi thô thiển, nên đã dịch nó một cách văn vẻ thành "trẻ em". Hậu quả là: Người đọc dễ hiểu lầm sang số nhiều, không chỉ là một "đứa trẻ" cụ thể, mà có thể là nhiều "đứa trẻ" chung chung, thậm chí là cả cộng đồng các "đứa trẻ", tức là cả giới "trẻ em".

Tương tự như vậy, nếu dịch "all matters" thành "mọi chuyện" hay "mọi thứ" thì có vẻ mộc mạc quá, nên chọn cách chuyển ngữ là "các vấn đề". Khi đã gọi là "các vấn đề", chứ không còn là "các chuyện nhỏ", nếu viết rằng "phát biểu quan điểm về" chúng thì chưa đủ phong độ chính trị, nên chọn cụm từ "tham gia vào". Với tập quán tư duy văn vẻ theo định hướng chính trị như vậy, mệnh đề
"the child… the right to express those views in all matters affecting the child"
không được dịch thành
"đứa trẻ… được quyền phát biểu quan điểm đó về mọi chuyện ảnh hưởng đến bản thân."
Mà nó được dịch thành
"Trẻ em… được tham gia vào các vấn đề về trẻ em."
Phải chăng đó là cách tư duy đã đẻ ra cái cao kiến được hiến định tại Khoản 1 Điều 37 Hiến pháp 2013?


Phụ lục IV

Ngoài những trường hợp đã được đề cập trong hai phần 6  7, các tác giả của Hiến pháp 2013 còn "lạm phát" ra nhiều thứ "bảo đảm" khác.

Có những thứ không hề được "bảo đảm" trên thực tế. Chẳng hạn:
"Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn." (Khoản 1Điều 21)
"Quyền bào chữa của bị can, bị cáo, quyền bảo vệ lợi ích hợp pháp của đương sự được bảo đảm." (Khoản 7Điều 103)
"Chính quyền địa phương… bảo đảm việc thi hành Hiến pháp và pháp luật tại địa phương…" (Khoản 1 Điều 112)

Có những thứ "bảo đảm" quá chung chung, không thể định lượng, hay xác định trạng thái, để xem đã "bảo đảm" hay chưa. Ví dụ:
"Nhà nước… bảo đảm quyền nghiên cứu khoa học và công nghệ…" (Khoản 2 Điều 62)
"Nhà nước… bảo đảm trang bị cho lực lượng vũ trang nhân dân…; bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, chiến sỹ, công nhân, viên chức…" (Điều 68)
"Uỷ ban thường vụ Quốc hội có những nhiệm vụ… hướng dẫn và bảo đảm điều kiện hoạt động của đại biểu Quốc hội." (Khoản 5 Điều 74)
"Nhà nước bảo đảm kinh phí hoạt động của đại biểu Quốc hội." (Khoản 3 Điều 82)

Có những thứ "bảo đảm" mơ hồ:
"Ngân sách nhà nước… bảo đảm nhiệm vụ chi của quốc gia." (Khoản 2 Điều 55)
Mọi chi tiêu của quốc gia đều được tính vào ngân sách nhà nước, vậy chẳng nhẽ "ngân sách nhà nước… bảo đảm" những thứ được tính vào ngân sách, hay sao? Còn nếu quan niệm "bảo đảm nhiệm vụ chi của quốc gia"  "thỏa mãn nhu cầu chi của quốc gia", thì mức độ "đại ngôn" còn tệ hại hơn nữa.
"Tòa án nhân dân tối cao… bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử." (Khoản 3 Điều 104)
"Áp dụng thống nhất pháp luật" có nghĩa là gì? Vì tòa án áp dụng sai pháp luật là chuyện không hiếm, nên "Tòa án nhân dân tối cao bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật" một cách sai trái hay sao?

Có những thứ "bảo đảm" không kèm theo trách nhiệm, như:
"Viện kiểm sát nhân dân có nhiệm vụ… góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất." (Khoản 3 Điều 107)
Nghĩa là chỉ cần "góp phần bảo đảm" thôi, còn có "bảo đảm" được hay không thì còn phụ thuộc vào các đối tác và các yếu tố khác. Hay:
"Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới." (Khoản 1 Điều 26)
"Quốc hội có những nhiệm vụ… Quyết định… các biện pháp đặc biệt khác bảo đảm quốc phòng và an ninh quốc gia." (Khoản 13 Điều 70)  
Có nhiệm vụ quyết định các biện pháp, chính sách nhằm "bảo đảm…" không có nghĩa là phải "bảo đảm…". Trong chế độ mà đường lối luôn được coi là đúng, mọi sai lầm đều thuộc khâu thực hiện, thì bộ máy hoạch định chính sách chẳng phải chịu trách nhiệm nào cả.

Có những thứ "bảo đảm" vô thưởng vô phạt, chẳng kéo theo hệ quả cụ thể nào cả:
"Nhà nước xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế, … bảo đảm tính thống nhất của nền kinh tế quốc dân."(Điều 52)
"Thủ tướng Chính phủ có những nhiệm vụ… bảo đảm tính thống nhất và thông suốt của nền hành chính quốc gia. (Khoản 2 Điều 98)
"Chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm được bảo đảm." (Khoản 6 Điều 103)

Và có cả thứ "bảo đảm" không phải… "bảo đảm", mà là được "bảo đảm":
"Trong trường hợp cần thiết, chính quyền địa phương được giao thực hiện một số nhiệm vụ của cơ quan nhà nước cấp trên với các điều kiện bảo đảm thực hiện nhiệm vụ đó." (Khoản 3 Điều 112
Tức là "chính quyền địa phương" không phải "bảo đảm" điều gì, mà ngược lại, chỉ cần "thực hiện một số nhiệm vụ… với các điều kiện bảo đảm thực hiện nhiệm vụ đó".

Đặc biệt, Khoản 1 Điều 14 quy định rằng:
"Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân… được… bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật."
Nếu chỉ đọc qua, thì dễ tưởng rằng nội dung này trùng lặp với cái được "bảo đảm"  Điều 3 Hiến pháp 2013. Song đây không phải là cam kết "bảo đảm", mà là một thủ thuật để hạn chế quyền con người, quyền công dân, như đã phân tích trong bài "Hiến pháp vi hiến". "Bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật" không phải là "bảo đảm" theo nghĩa thông thường, như mọi người vẫn hiểu, mà có nghĩa là chỉ "bảo đảm" ở mức độ cụ thể theo quy định trong Hiến pháp và pháp luật mà thôi.

Ngày 10/9/2014
Hoàng Xuân Phú

Bản gốc được lưu trữ tại trang
 (với định dạng HTM  PDF)

HDTG Blog

Cảm ơn bạn đã ghé thăm.

0 nhận xét:

BÀI ĐĂNG PHỔ BIẾN