Chuyện nhà, chuyện nước

Sự vận hành cũng như khả năng trở nên thịnh vượng của một quốc gia, nhìn dưới góc độ kỹ thuật, là rất phức tạp. Tuy nhiên, về cơ bản nó không khác nhiều so với một gia đình.
Không phải của nả ông bà để lại mà sức khỏe và trí tuệ của các thành viên trong gia đình mới là tài sản quý giá nhất. Nói như nhà thơ Hoàng Trung Thông: “Bàn tay ta làm nên tất cả, có sức người sỏi đá cũng thành cơm.”

Tài sản thừa kế nhiều khi lại là nguồn gốc của rắc rối, trong khi rường cột và gia phong mới có vai trò quyết định đến sự thịnh suy của mỗi gia đình.

Rất nhiều gia đình, bắt đầu với hai bàn tay trắng nhưng nhờ hầu hết các thành viên đều chí thú làm ăn, bố mẹ biết vun vén, anh em thì trên bảo dưới nghe nên chẳng mấy chốc trở nên khấm khá.

Ngược lại không ít gia đình thừa kế tài sản chất cao như núi, nhưng bố mẹ lại vung tay quá trán, các thành viên trong gia đình thì lười nhác, suốt ngày tranh giành hay chia chác của cải, chỉ muốn ăn mà không muốn làm nên chẳng mấy chốc tán gia bại sản. Nhà mà không có nếp thì của cải không sớm thì muộn cũng đội nón ra đi.

Một dạng tương tự của loại gia đình kể trên là những gia đình muốn giàu nhanh nhưng thiếu tính toán, kinh doanh một cách liều mạng vào những lĩnh vực hay ngành nghề mà mình chẳng biết hay chẳng có lợi thế gì cả. Hậu quả là có chút của nả thì bốc hơi nhanh chóng, nghèo vẫn hoàn nghèo.

Nhiều gia đình, rường cột và gia phong được thiết lập vững chãi ngay từ ban đầu, anh em, họ hàng biết bảo ban và vun vén cho nhau. Kết quả là sự hưng thịnh luôn được củng cố đời này sang đời khác.

Ngược lại, nhiều gia đình gia phong chẳng ra làm sao, đã không có gì lại lười nhác, anh em suốt ngày hục hặc với nhau hoặc đi tranh chấp những thứ không đâu với đâu với xóm giềng nên nghèo vẫn hoàn nghèo. Hậu quả luôn thuộc diện cùng đinh trong làng trong tổng.

Cũng có những gia đình cho dù rất chí thú làm ăn nhưng vận may không đến, làm gì hỏng nấy nên hoàn vẫn hoàn nghèo. Tuy nhiên, những gia đình dạng này là rất hiếm vì trời ít khi phụ lòng người.

Dựa vào các loại gia đình nêu trên, nhìn trên bình diện của khoảng 250 quốc gia và nền kinh tế tự chủ trên thế giới sẽ thấy nhiều điều rất thú vị.

Các quốc gia đang phát triển không có nhiều tài nguyên đã trở nên thịnh vượng thuộc loại gia đình thứ nhất, trong khi các quốc gia rơi vào “lời nguyền tài nguyên” thuộc dạng quốc gia thứ hai.

Các quốc gia phát triển và vẫn duy trì được sự thịnh vượng của mình giống như các gia đình có gia phong và rường cột vững chắc; trong khi các quốc gia thuộc diện “Một tỷ dưới đáy” thì giống như các gia đình cùng đinh nêu trên (trừ một vài trường hợp ngoại lệ do vị trí và điều kiện quá bất lợi).

Trong phạm vi gia đình, rường cột và gia phong có vai trò quyết định chứ không phải là của nả thừa kế; đối với các quốc gia, thể chế đóng vai trò quyết định chứ không phải tài nguyên hay lợi thế sẵn có.

Nếu thể chế dựa trên nền tảng pháp quyền, dân chủ thực chất để khuyến khích mọi người hăng say làm việc thì nhiều gia đình sẽ trở nên giàu có và quốc gia sẽ trở nên thịnh vượng.

Ngược lại, nếu thể chế làm cho một số người có thể tranh giành, cướp giật của người khác hoặc khai thác tài nguyên vô tội vạ thì ít ai có động cơ làm việc mà suốt ngày chỉ nghĩ đến việc mánh mung, tước đoạt. Khi đó, xã hội sẽ rất bất an với nhiều bất công và quốc gia khó mà ngóc đầu lên được.

Nhìn từ bình diện các nước trên thế giới, sẽ thấy tương lai hay sự thịnh vượng của Việt Nam được quyết định bởi những cải cách thể chế trong thời gian tới. Muốn trở nên thịnh vượng thì Việt Nam cần phải tập trung xây dựng nhà nước pháp quyền gắn với phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của nhân dân như “Thông điệp đầu năm” của người đứng đầu Chính phủ đã nên ra.
Huỳnh Thế Du
Theo Huỳnh Thế Du Blog (TBKTSG)

HDTG Blog

Cảm ơn bạn đã ghé thăm.

0 nhận xét:

BÀI ĐĂNG PHỔ BIẾN