Bông Hồng Trắng Của Mình

Lại mùa Vu lan nữa đến…
Mình là Phật tử nên mỗi mùa Vu lan đều có cảm xúc và nghi lễ chắc hơi khác với bạn bè chưa là con Phật. Đi chùa mình sẽ được nhận một Bông Hồng Trắng để cài lên ngực. Khác với người còn cha mẹ được cài Bông Hồng Đỏ. Có nơi giờ thêm Bông Hồng Vàng dành cho ai mất một cha hoặc mẹ.
Mình nhớ Mẹ và Bố. Nhưng không phải là nỗi buồn. Giống như là dịp để mình được đi vào vùng sáng viên miễn, nơi còn lưu giữ kỷ niệm về Mẹ, Bố trước khi hai người siêu sanh vào cõi giới khác.
Mẹ mất năm 1994, Bố mất sau 13 năm, 2007. Trước khi Mẹ mất một tuần, mình nhận được tín hiệu thần giao cách cảm. Chuyện là thế này…
Khi đó mình còn đang học ở Nga. Cả mùa hè chơi nhởi chẳng sao, bắt đầu vào năm học tự nhiên mình nổi khùng, cáu kỉnh, thích ở một mình, dễ khóc, bứt rứt, chán nản…Bạn bè cũng chán mình, mình cũng chán họ. Tự nhiên muốn về nhà trong khi chả có xu nào. Bạn trai xúi thích thì về, không khéo làm mọi người điên theo. Mình lò dò lên xin ông Trưởng khoa phụ trách sinh viên ngoại quốc. Ông ấy bảo bắt đầu vào năm học rồi, tao không thể cho mày về được. Nếu mày cần thì lên gặp ông hiệu trưởng. Mình sợ vãi linh hồn. Ông hiệu trưởng Trường Văn học mang tên Goorki lúc đó vốn ghét dân “cộng”, suốt ngày cau có và gắt gỏng như mắm tôm. Nhưng mình cứ liều mạng lên tìm ông. Ông ấy hỏi lý do xin về phép, mình buột miệng: “Mẹ tôi ốm nặng”. Thực ra lúc đó ở nhà Mẹ đang khỏe, không ốm như trước. Chả hiểu ai xui, ai khiến mình nói vậy? Ông ấy đồng ý cho mình nghỉ 20 ngày. Thế là vay tiền mua vé vù thẳng một mạch.
Đến sân bay Nội Bài, đợi mãi chả thấy ai đón, dù đã nhờ người báo cho anh trai biết ngày giờ bay của mình. Thời đó nhà mình chưa có điện thoại nên liên lạc rất khó. May gặp một người quen có ô tô cho đi nhờ về đầu làng Ngọc Hà. Nhà mình trong làng nên phải đi bộ một đoạn. Mình vừa kéo va ly đi được hơn chục thước thì bất ngờ gặp anh rể đèo chị gái phóng vụt qua. Bà chị thấy mình vội nhảy xuống. Chị đeo tang trắng, mình buột miệng hỏi nhà anh rể có ai vừa mất à? Chị hỏi mình không biết gì à? Nhà đã điện sang Nga nhờ người quen báo tin Mẹ mất. Hóa ra người đó không tìm được mình ở kí túc xá. Lúc đó người mình như mất trọng lượng, chân bước thập thõm, ngả nghiêng…Cũng không khóc được. Cảm giác khi ấy lạ lắm, không chấp nhận sự thật, có ý chờ một điều khác sẽ xảy ra…
Mình sững trước cửa. Gian nhà nghi ngút hương khói, bàn thờ chính giữa, buông rủ màn the trắng, hoa quả, đồ lễ…Ảnh Mẹ nghiêm nghị nhìn mình. Hôm nay đúng ba ngày Mẹ mất. Nhà mai táng sớm một ngày vì chị dâu đi xem thầy bảo thế. Sau này tìm hiểu mình biết, trong ba ngày đầu, người mất vẫn ở nguyên nơi họ rời bỏ cuộc đời, và cũng chưa hiểu là họ đã mất. Vậy lúc đó Mẹ bên cạnh mà mình không thể nói chuyện được với nhau.
Mình ngồi xuống. Vẫn không khóc được. Vẫn như đang bay lượn bồng bềnh trong không trung. Nếu ai từng rơi vào cảnh huống, khi mà nỗi đau đánh bật mọi cảm giác, mọi nhận thức thì bạn sẽ hiểu. Người như bị down, trì độn, và chính điều này gây tê khiến bạn không cảm nhận được gì hết…
Rồi người bạn cũ và anh trai đưa mình ra mộ. Đó là một chiều nổi dông, mây vần vũ đen kịt, tối sầm sịt. Mộ Mẹ vừa đắp hôm qua vẫn còn đầy vòng hoa tươi. Mình thắp nguyên bó hương, luẩn quẩn vòng quanh mộ như hồi bé lẵng nhẵng bám gấu áo Mẹ. Nhưng vẫn không khóc nổi…Phải sau này khi quay lại Nga lúc đã hết 20 ngày phép thì mình mới hay khóc khi nghĩ về Mẹ. Mình thường bỏ ra công viên, lang thang ngoài đường để được khóc một mình không cho ai biết. Lúc đó đang mùa thu vàng tuyệt vời lãng mạn, u sầu. Mẹ thích mùa thu Nga lắm, dù Mẹ chỉ được một lần đến đó vào mùa hè. Nhưng Mẹ đọc nhiều và yêu văn học Nga, hội họa Nga, văn hóa Nga, yêu tất cả những gì thuộc về nước Nga…Mình nhìn rừng phong đang trút dần lá vàng theo cơn gió tháng 9 mà nức nở gọi thầm Mẹ…
Bố kể, trước khi mất chừng hơn tháng, Mẹ cứ khăng khăng với mọi người là mình sẽ về, mặc cho mình đã viết thư nói năm sau về hẳn nên năm nay không về thăm nhà nữa. Nhưng Mẹ vẫn nhất mực là mình sẽ về…
Tết năm ấy, Bố, Mẹ tiếp nữ sỹ Ngân Giang lên chơi. Ba người già đọc thơ, thưởng trà. Lúc Mẹ không có mặt, nữ sỹ già bảo năm nay Mẹ khó qua khỏi, nên cẩn thận. Nếu Mẹ qua được tháng 8 âm thì sẽ sống lâu. Bố nghe chỉ cười vì Bố chả bao giờ tin bói toán, ma quỷ, thánh thần. Rồi Bố quên chuyện đó đi. Năm ấy hoa địa lan Bố trồng đơm nhiều bông lạ thường. Bố bê chậu trổ nhiều hoa nhất để hiên nhà cho Mẹ ngồi nhìn ra mà thưởng hoa khi dùng trà. Mỗi khi địa lan ra hoa nhiều bất thường là chủ nhà e có chuyện, những người chơi địa lan đều nbaor vậy…Vì địa lan ân tình, thủy chung luôn đãi chủ trước lúc đi xa. Mẹ nhắc chuyện đó nhưng Bố gạt đi vì chả tin gì sất. Sau Tết, Mẹ khỏe ra. Bệnh tim và huyết áp ổn định. Chân gãy đã lành. Mẹ nhắc Bố đưa Mẹ đi thăm bạn bè do lâu ngày nằm dưỡng bệnh mà bỏ bẵng không hỏi han theo lễ nghĩa. Bố hứa.
Sáng ấy Mẹ ngồi uống trà với Bố, hàn huyên như mấy chục năm sống bên nhau. Bố và Mẹ vừa là chồng vợ, vừa là tri kỷ vì tìm thấy nhau lần nữa trong tình yêu thi ca. Hai người chả bao giờ hết chuyện, kể cả đêm buông…Hồi còn bé, nhà chật, có đêm mình nằm giường bên, nghe hai người bình thơ cho nhau nghe, khẽ cười thầm, như là sự vớ vẩn tuổi già…Lại kể…Sáng đó, bà chị họ mình lên thăm. Hai cô cháu trò chuyện gia đình, họ mạc. Mẹ thương anh trai nằm viện khổ sở mấy tháng nay, sống dở, chết chưa được, bèn thở dài nói: “Khổ thân ông ấy. Cô chỉ mong nếu ông trời không cho sống nữa thì gọi một tiếng để đi luôn, chứ nằm bê bết thế khổ lắm”. Bà chị họ vừa về vài phút thì Mẹ thấy đau ngực. Bố đưa Mẹ vào nhà trong nằm và xoa ngực cho Mẹ như mỗi khi lên cơn đau tim. Rồi có khách lên chơi, Bố nhờ cô bé ở cùng để học đại học, giúp xoa ngực cho Mẹ để ra tiếp khách. Lát sau cô bé kêu ầm lên. Bố vào gọi thì thấy Mẹ nấc lên mấy cái rồi đi. Như là đùa với Bố vậy.
Mẹ đi mà không gặp đứa con nào. Hôm đó là sáng 3/8 âm lịch của năm 1994, đúng như nữ sỹ Ngân Giang đoán dịp tết. Hồi Mẹ còn bé đi học qua Bách Thảo, có một ông Ấn Độ gác cổng đen thui, hay coi bói nói, Mẹ chết mà không có người thân bên cạnh. Đúng luôn.
Mấy ngày sau khi về phép, cả nhà bảo mình xem album và video đám tang Mẹ nhưng mình nhất quyết không đụng đến. Nhiều năm sau cũng không xem. Cách đây 2 tháng, nhân lúc dọn gian thờ, thấy album đã bị hư hỏng hết nên chị gái mình ngồi lọc lại những ảnh chưa bị mốc để riêng ra. Lần đầu tiên mình mới dám nhìn bức hình chụp Mẹ nằm trong áo quan. Gương mặt Mẹ vẫn tươi như đang ngủ, không đau đớn, mệt mỏi, tiếc nuối…Mình sẽ ghi nhớ gương mặt ấy cho đến lúc ra đi mà sẽ không bao giờ xem lại bức hình ấy nữa.
Hồi bé mình là đứa quấy Mẹ nhiều nhất. Mình cũng là đứa con làm bà đứng tim nhiều nhất, lo lắng nhất. Cậy con út nên khi còn bé, bất chấp đòn roi của Bố, mình bám váy Mẹ khóc lóc, đòi hỏi đủ thứ như mít ướt. Mẹ không bao giờ đánh mắng con cái nhưng anh em mình đều sợ Mẹ khi biết nghĩ. Chỉ cần Mẹ nghiêm mặt, không nói gì là tim mình như dừng đập vì sợ, cho dù biết Mẹ cực hiền. Mẹ hiền nhưng nghiêm khắc. Mẹ có uy với con cái mà không cần lên gân, nói to, quát mắng, la lối, nhiều lời. Nỗi buồn của Mẹ cũng là một áp lực với mình. Nếu thấy Mẹ không nói gì, giở thơ, truyện ra ngồi đọc, không ngẩng mặt lên là đi lại nem nép. Vậy mà mình vẫn cứ hay gây chuyện bực mình khiến Mẹ phải lo lắng, buồn rầu. Bao lần tự hứa sẽ không như vậy nữa, nhưng rồi lại mắc lỗi, lỗi nào cũng to đùng, chả ít tội tí nào. Bất kham, bất trị mà…
Mẹ nhất định dạy con cái chi li theo kiểu con nhà Hà Nội gốc, nào là cách bày bát đĩa, gắp rau, pha ly nước chanh cho khách, bát nước mắm cho từng loại thức ăn, cách cầm đôi đũa sao cho đẹp, nhai thức ăn sao cho người ngồi cạnh không nghe thấy…,từng li, từng tí, ôi thôi là nhiều. Có lúc cảm thấy như bị stress vì bị Mẹ dạy dỗ. Lúc lên 3 tuổi, Mẹ cho mình một ngăn kéo riêng và dạy cách dọn dẹp, cất quần áo vào đó sao cho gọn gàng, có kiểm tra hàng tuần hẳn hoi. Mình tiếp thu “vượt mức” nên cất cả guốc mộc, dép nhựa, giẻ lau vào đó…Hihi…
Khi Mỹ ném bom miền Bắc, mình phải đi sơ tán lúc chưa vào vỡ lòng. Nhớ Mẹ lắm, nhất là khi nghe tiếng thơ ban đêm qua đài. Đó là những giây phút kinh hoàng với mình. Vì loa của làng cứ oang oang nên không thể bắt nó tắt, đành chui vào chăn, bịt chặt tai không thì khóc ầm lên mất. Với Mẹ thì chiều chủ nhật cũng là nỗi kinh hoàng của bà khi rời nơi sơ tán để về Hà Nội. Mình lăn ra đường làng, la lối thảm thiết, kêu gào như bị đập đánh. Mẹ vừa khóc, vừa lên xe đạp đi dọc con đê. Nhưng chỉ ít phút sau là mình lại cười tươi rói với đám trẻ con trong làng và theo chúng với đủ trò nghịch ngợm. Mình chỉ thích chơi với đám con trai vì nhiều trò hơn, nào là đánh đáo, chơi bi, đánh khăng, chơi trận giả, cưỡi trâu, tắm mương, ra đồng chất củi đốt vào mùa đông, bắt trộm gà vịt bé bằng nắm tay để thịt và nấu trong ống bơ sữa bò, tanh lòm mà ăn vẫn thấy ngon…Mẹ mua cho dép, guốc đầy đủ nhưng chả đi bao giờ, cứ chân đất chạy theo tụi trẻ cũng chân không như mình. Đường mùa hè bỏng chân thì lấy bẹ chuối làm dép, xỏ ngang sợi dây đay, qua đoạn đường nào nóng mới bỏ xuống đi, còn lại cắp nách như cụ lý, chánh tổng ngày xưa. Chửi tục thì thôi rồi. Tụi trẻ con ở làng dạy và mình học nhanh lắm. Nói bậy chửi tục không thua tụi nó câu nào. Đánh đáo, đánh khăng, chơi bi, đổ dế, chọi dế cũng chẳng kém miếng. Cởi truồng lội ngược dòng nước mương đang được bơm từ sông đổ vào ruộng hợp tác mê ly không tả xiết. Đến giờ mình vẫn nhớ như in mùi nước sông ngai ngái lẫn trong mùi xăng của máy bơm nồng nồng ra sao…Đêm trăng lên đê chơi trò “chiến tranh bùng nổ”, cuộn người lăn theo triền đê, rơi xuống ruộng sắn không biết chán. Có lúc thì trèo cả lên mái nhà, chả hiểu sao không bị ngã?
Mình có hai “mối tình” thời trẻ con: một với cậu Đông ở cùng nhà trẻ hồi 3 tuổi. Mỗi khi Đông nghỉ học mình mất ăn mất ngủ. Đi đâu cũng có nhau, từ chuyện về nhà mình ăn vụng cơm nguội đến…đi tè. Sau mất dấu vì lên mẫu giáo, hai đứa hai trường. Cứ nhớ mãi tên Đông, người mũm mĩm, trắng trẻo vậy thôi. Còn cậu bé thứ hai ở làng Thọ An (Đan Phượng) nơi mình sơ tán. Khi ấy mình mới học lớp 1. Mình chơi rất thân với cậu này vì ở gần nhà. Hai đứa hay rúc xuống cầu bắc ngang ngõ nhà cậu ấy, ngồi chơi dưới đó, mặc mọi người đi qua lại trên đầu. Cậu bạn ấy tên là Nguyên. Mình đặt tên nhân vật trong “Mặt trời bé con của tôi” là nhớ đến cậu bạn thuở xa xưa này. Được một năm thì trại trẻ của báo Lao Động (nơi Mẹ mình làm việc) chuyển sang làng khác là Thọ Vực. Thế là “mối tình” dở dang…hihi…Hai đứa cũng quên nhau luôn.
Chả hiểu sao từ bé đến giờ mình thân với cánh đàn ông nhiều hơn. Chơi khá ít với đàn bà, nhưng đã chơi là rất sâu đậm. Từ bé đã hám…giai. Hihi…Nói tiếp về thói chửi tục. Mình chửi tục đến mức thiếu nước Mẹ dọ mõm mình lại vì ngượng với khách khứa, họ hàng. Mẹ không thể nhận ra đứa con gái mà bà cố công rèn rũa lâu nay. Khổ nỗi mình không biết đó là chửi tục nên nói rất thoải mái, vô tư, còn pha giọng Phùng, giọng Nhổn nữa mới khiếp. Mẹ thất kinh nên khi Mỹ ném B52 vào Hà Nội, mình còn được ở lại đấy mãi đến cuối tháng 12 mới phải đi sơ tán. Bà giữ chặt lấy để hy vọng…giáo dục lại. Sợ Mẹ có bớt chút xíu, nhưng “di chứng” thì còn đến tận bây giờ…Hihi…
Mẹ là người tập cho mấy anh em mình thói quen đọc sách vì bản thân bà rất yêu sách. Mẹ mê sách từ nhỏ. Được ông bà ngoại chiều vì là con út nên Mẹ chỉ biết đi học và đọc sách. Thời con gái ở với ông bà ngoại, Mẹ vẫn thường được ông bà cho tiền mua sách. Sau ngại ngùng phải dựa dẫm, Mẹ đi dạy học để có thêm tiền thỏa sức mua những quyển truyện mà Mẹ thích. Khi đã có anh em mình, lương viên chức nghèo lại đông con (nhà mình có 4 anh em), nhưng hễ có quyển sách văn học nào hay là Mẹ phải mua bằng được. Mẹ bảo có thể thiếu tiền, sống khổ, nhưng không thể thiếu sách. Hình ảnh Mẹ luôn cầm quyển sách trên tay, đeo kính và cắm cúi đọc, chạm khắc vào tâm khảm mình thành bức phù điêu lung linh…
Ít khi thấy Mẹ ngồi không, buôn chuỵên. Cần gì trao đổi thì nói trong bữa tối, sau đó ai làm việc nấy, hầu như là đọc sách. Thói quen ấy đến giờ mình vẫn không bỏ. Mẹ đặc biệt thích thơ, nhất là thơ Đường. Bà đọc thơ thì thôi rồi hay. Nhưng chỉ ngâm nga trong nhà cho mấy bố con mình nghe vì tính bà hay xấu hổ (mình giống Mẹ tính này…hihi). Mình chỉ không học được ở Mẹ cái tính nói năng nhỏ nhẹ, không cười lớn, không nói tục, chửi bậy…,còn học được ối thứ hay ho (tin không? Hì). Không học không được vì Mẹ tuy hiền nhưng rất nghiêm khắc và đòi hỏi cao ở con cái, nhất là học thức và tư cách làm người. Mẹ không cần các con đỗ đạt làm quan, nhưng cần các con có kiến thức và sự hiểu biết, giữ được cốt cách cao thượng để biết xa lánh sự tầm thường, thiểu trí và biết yêu lẽ phải, thương người nghèo khó.
Mình nhớ khi còn nhỏ, làng hoa Ngọc Hà quê ngoại mình có khá nhiều ao hồ. Mấy ông dân nghèo vào dịp tết hay đi câu trộm cá ở ao HTX hoa rau. Nhiều người làng biết Mẹ và gia đình ông ngoại từ xưa, nhất quyết giữ lễ của người dưới với người trên, nói chuỵên với Mẹ bao giờ cũng thưa gửi làm Mẹ rất ngại. Có một ông trong số đó, gần tết thường mang cá câu trộm vào nhà nhờ Mẹ mua hộ để có tiền mua gạo cho con. Mình còn nhỏ, nghĩ tết là chỉ có thịt gà, bánh chưng nên hỏi Mẹ mua làm gì? Mẹ bảo không mua thì ông ấy biết bán cho ai để có tiền lo cái tết cho đám con nheo nhóc? Và nồi cá kho ấy đợi ra giêng mới dùng đến. Lâu lâu Mẹ lại lọc mớ quần áo để cho vợ con ông ấy, mặc dù Mẹ không nhiều quần áo.
Nhớ đám cưới anh trai mình, Mẹ mời bà con trong làng đến dự vì con đầu cháu sớm, mà làng xóm lại quá rành nhà ông ngoại lẫn Mẹ, nhưng Mẹ viết sau giấy mời là đừng tặng quà. Thời ấy ít mừng tiền mà mừng nồi niêu, xoong chảo…Đi đưa giấy mời Mẹ đều thuyết phục hàng xóm là Mẹ có đủ rồi, mang đến là thừa, lãng phí. Mẹ lo bà con nghèo đến dự sẽ ái ngại nếu không có quà mừng. Mấy đứa con sau Mẹ chỉ gửi thiếp báo hỉ. Mấy chị mình và mấy đứa cháu họ ở gần đấy đều được Mẹ tự tay làm tặng bó hoa cô dâu theo kiểu Mẹ thích. Thời ấy người ta chuộng bó hoa lay ơn dài loằng ngoằng, chạm mặt cô dâu. Còn bó hoa Mẹ làm y chang bây giờ, nhỏ nhẹ, ngắn vừa tầm tay, chủ yếu là hoa hồng, cẩm chướng trắng…Chả là nhà ông ngoại có nghề trồng hoa, có cửa hàng bán hoa trên Tràng Tiền thời Pháp, vì ông không chịu học trường Hậu bổ để làm quan mà chỉ thích cô đầu hát xướng và trồng hoa. Thảo nào con cháu cụ đàn ca sáo nhị ghê thế? Hihi…
Mẹ luôn là người đứng sau lưng sự nghiệp của Bố, chủ yếu là…xui nghỉ, chuyển đi nơi khác nếu thấy quá mệt mỏi, hoặc đừng có đấu đá mất thời gian, cứ bỏ quách là xong…Bố răm rắp nghe mới tài chứ. Cả Mẹ lẫn Bố đều hay bao che cái tội thời bấy giờ bị xem rất nặng nề, hủ hóa. Mẹ không thích tính lẳng lơ, nhưng Mẹ cho đó là chuyện con người, không nên nặng nề, coi như tội đồ để gán vào nhân cách, rồi phê phán, kỷ luật.
Có một cô thích Bố (sau này mình mới biết). Bố cũng thích cô ấy và cũng có “tí ti” gì đó. Mẹ biết nên càng thân với cô ấy, mời lên nhà chơi suốt, ăn cơm nữa…Mẹ còn mua quần áo cho con cô ấy vì chồng cô ấy đi B và coi như em gái. Sau đó Bố từ từ…lặn. Cô ấy vẫn là bạn với Bố, Mẹ đến tận lúc mất. Cao thủ võ lâm, hihi…Mỗi khi Bố có việc gì quan trọng cần ăn mặc tươm tất là Mẹ duyệt quần áo trước khi ra khỏi nhà vì sợ Bố ăn mặc chẳng giống ai…Khekhe. Bố từ nông dân ra mà. Ai đến nhà “làm vịêc” theo kiểu mang theo quà cáp là Mẹ nói khéo nên đến cơ quan, miễn sao người đó không giận, nhưng đố dám lại lần nữa với tư thế ấy. Đến chơi thì được, Mẹ tiếp đón nhịêt tình. Mẹ dạy mình hiểu câu các cụ: “gái ngoan làm quan cho chồng” là như thế nào? Mẹ chỉ có cái tật mình không thích lúc còn nhỏ, là luôn để người khác tự hiểu nên làm gì, chứ ít khi bày tỏ sự đòi hỏi, yêu sách, kể cả với con cái. Nhiều lúc biết Mẹ mong như vậy nhưng mình cố tình làm ngược để Mẹ phải nói ra. Chả thế có lần khi mình lên 10 tuổi gì đó, hai mẹ con giận nhau 1 tháng không nói chuyện. Cả hai thi gan. Mình bị họ hàng mắng té tát là đồ hư thân mất nết vì được chiều quá mức. Sau hình như Mẹ nói chuỵên trước thì phải. Không nhớ nữa…
Chuyện về Mẹ thì nhiều lắm. Nhưng cứ ti li thế thôi vì Mẹ chả thích to tát, lớn lao, chỉ âm thầm gieo vào tình cảm, tâm hồn con cái những chuyện ơn nghĩa, nhân ái của tình người; sự phóng khoáng, tinh tế, không tầm thường của kiến văn và kiến nhân để biết gì nên và không nên làm, nên sống, nên cư xử ra sao…
Năm 1992, thấy sức khỏe xuống, Mẹ âm thầm viết di chúc. Khi ấy tay Mẹ đã run nên chữ không còn đẹp. Mẹ viết 3 di chúc và giữ lại cả ba. Sau này anh em mình photo và mỗi người giữ 3 bản như nhau. Mẹ viết: “Ai cũng một lần phải ra đi. Tuổi mẹ như thế là quá đủ rồi. Mẹ thanh thản đón giây phút được về với tổ tiên. Mẹ chỉ dặn đôi điều với các con. Đồng ý hay không mẹ cũng đề nghị các con vui lòng với lời nói cuối cùng của mẹ”. Sau đó Mẹ dặn, điều đầu tiên là nên tổ chức lễ tang hết sức giản dị với số tiền Mẹ tự để dành cho đám tang của Mẹ, vì không muốn các con phải lo lắng đóng góp cho việc hiếu khi còn nghèo. Quần áo con nào muốn giữ lại kỉ niệm về Mẹ thì giữ, còn đưa cho người nghèo đỡ lãng phí. Sách Mẹ dành cho mình vì nghề mình cần sách. Tất nhiên Mẹ dặn cả cách xử lý ngôi nhà Mẹ ở là của ông bà ngoại để lại, tin tưởng các con biết cư xử phải đạo.
Mẹ viết tiếp: “Điều mẹ mong muốn duy nhất là anh chị em thương nhau. Hiểu các con, mẹ tin các con sẽ làm chủ được bản thân mình, gắn bó với nhau hơn là khi không còn bố mẹ. Mẹ luôn ghi nhớ lời nói của nhà giáo dục V.A Xu-khôm-lin-xky: “…chỉ người nào biết yêu thương mới trở thành rộng rãi. Phải hiểu rõ chân lý này: cái chủ yếu nhất mà những của cải trên xứ sở chúng ta không thể sánh nổi, đó là sự giàu có về tinh thần, là trí tuệ, kiến thức, sự thông minh, tài năng, sáng tạo, tình bạn bè và tình yêu chung thủy với con người. Hãy học để có sự giàu có ấy. Bí quyết của sự rộng rãi chân chính là ở chỗ đó. Tính keo kiệt làm con người nghèo đi, trở thành ích kỷ và vụ lợi. Của cải tồn tại để phục vụ con người chứ không phải nô dịch con người”. Mẹ chép lại vài dòng trên đây để các con dạy dỗ các cháu vì làm cha mẹ phải biết kết hợp lòng tốt với uy quyền, dịu dàng với nghiêm khắc. Nếu loại bỏ sự dịu dàng, nhấn mạnh vào sức mạnh sẽ làm thịêt hại lòng tốt. Phát triển mặt tốt của trẻ em bao giờ cũng thành công hơn là chú trọng đánh đổ tính xấu của nó. Mẹ mong các con chăm lo cho các cháu để chúng được trải qua “một trường học cảm xúc”: trường học của những tình cảm nhân hậu, để chúng không bàng quan trước mọi người thân, để chúng không thương xót bản thân một cách quá đáng, bị sự mù quáng của tâm hồn. Phải giáo dục cho chúng khi còn nhỏ biết căm ghét sự vô ơn bội nghĩa không chỉ với bố mẹ. Vì như thế sẽ là khởi nguồn của sự lỗ mãng, thô bỉ, mà còn là thói hư của sự lười biếng, hư hỏng, ăn không ngồi rồi. Nó còn tệ hơn trăm ngàn lần sự dốt nát”…
Chính Mẹ không biết Mẹ đã để lại cho mình một gia tài lớn đến chừng nào…
Mùa Vu lan – Năm 2555 Phật lịch
Thùy Linh
Theo FB Thùy Linh

HDTG Blog

Cảm ơn bạn đã ghé thăm.

0 nhận xét:

BÀI ĐĂNG PHỔ BIẾN