Chuyện cuối tuần: Gói giáo dục giá rẻ

Sự ra mắt của sách giáo khoa điện tử Classbook, sản phẩm của nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam tại Hà Nội cuối tháng 6 qua và được giới thiệu tại gần 400 trường học tại Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng trong giai đoạn thí điểm, ít nhiều gì cũng gây thú vị cho giới phụ huynh và học sinh.
Cảm giác đầu tiên là có một cái gì đó hiện đại hơn, mới mẻ hơn đang đến với nền giáo dục Việt Nam. Song song với sản phẩm mới này, có thể còn có những niềm hy vọng mơ hồ trỗi lên đâu đó.
Classbook có vẻ như hiện đại. Nhưng đó là một gói giáo dục đông cứng.
Điều mà nhà phát hành Classbook nhấn mạnh, đó là việc toàn bộ các bản sách giáo khoa từ lớp 1 – 12 trong đó, cùng với chiếc máy tính bảng, được coi là một cuộc cách mạng về giá cả. Chỉ 4,8 triệu đồng, từ nay việc thiếu thốn sách giáo khoa ở các cấp sẽ không còn. Bên cạnh đó mới là tính hiện đại và tiện dụng.
Nhưng điều mà người ta không tìm thấy, đó là giá trị mở của hệ thống sách giáo dục điện tử này. Không phải hôm nay Classbook mới đem lại các eBook cho học sinh, mà việc tập hợp các bản sách giáo khoa đó vào một bộ khung với “giá rẻ”, có thể coi chỉ là một hình thái thương mãi mới hơn đối với sách giáo dục, và là một động thái mơ hồ chứng minh tính độc quyền của nhà phát hành.
Từ nhiều năm nay, bất cứ lúc nào, học sinh có sử dụng internet đều có thể tải về đủ loại sách ở các định dạng pdf, epub hay prc… thậm chí, thế giới sách bổ trợ tham khảo cho các môn học trên internet và các diễn đàn học sinh, sinh viên còn phong phú và cập nhật thường xuyên hơn cả trên các website giáo dục của bộ. Vậy việc phải mua trọn gói các sách giáo khoa, trong đó có thể có nhiều bộ đã học qua rồi, nhằm mục đích gì? Đặc biệt, cũng chưa có điều gì chứng minh rằng hệ thống sản xuất mang tính thương mãi của nhà xuất bản sách điện tử Classbook, sẽ làm tốt việc cập nhật cũng như tặng thêm sách tham khảo cho người dùng qua thời gian.
Hơn nữa, đừng quên, sách giáo khoa là tài sản quốc gia, được sử dụng trong mục đích miễn phí bản quyền cho việc giáo dục quốc dân. Việc kinh doanh hoặc nhượng quyền kinh doanh trong một mô hình khác, thật sự là điều đáng nghĩ ngợi giữa thời buổi nháo nhào các giá trị hôm nay. Hãy thử đặt câu hỏi, tại sao nhà xuất bản lại không bán máy với giá rẻ, cho tải về các bản sách giáo khoa miễn phí, hoặc có giá hợp lý trong việc duy trì hệ thống? Chỉ duy việc kinh doanh các bản eBook sách tham khảo, sách bài tập thêm… của từng lớp, nếu biết khai thác cũng là nguồn thu đúng và dồi dào cho những nhà xuất bản có suy nghĩ về tương lai.
Trên website của máy Classbook quả là có phần cho phép tải các app (phần mềm ứng dụng) không thu phí, nhưng rõ là phần lớn, các app đó hầu hết đều lấy từ hệ thống của Android Store (mà cũng chưa biết là các bản app đó, nhà xuất bản Việt Nam đã ký với các tác giả lập trình để nhượng quyền cho lên hệ thống kinh doanh của mình hay không). Vậy thì các phụ huynh sẽ do dự gì khi mua cho con một máy tính bảng chính hiệu, mạnh mẽ và đủ quyền tải mọi thứ miễn phí với đủ các chọn lựa bình thường của một con người?
Classbook có vẻ như hiện đại. Nhưng đó là một gói giáo dục đông cứng. Mặt khác, việc chặn wifi của Classbook không thể download ngoài nguồn của nhà xuất bản, nghe chừng như bảo vệ học sinh không chơi game, không xao lãng việc học… nhưng đó cũng là việc tô vẽ cho cánh cửa đóng mang tính độc quyền các sản phẩm của mình. Hơn nữa, thật hồ đồ khi cho rằng game chỉ làm hư trẻ em. Thế giới game giáo dục, sách tham khảo bên ngoài là vô tận, khép lại với ngôn ngữ bảo vệ trẻ, chỉ là nguỵ biện.
Đó là chưa nói về mặt kỹ thuật, một eBook-reader như máy Classbook không có nghĩa đủ sức chạy nổi tất cả các loại game thông thường trên máy tính bảng hiện nay.
Tin tức của Classbook thật thú vị và đem lại nhiều suy nghĩ. Nhưng suy nghĩ vẫn day dứt là hôm nay, sau những chìm nổi của bộ sách giáo khoa – nền móng tri thức của các thế hệ Việt Nam – giờ thì ai cũng thấy mình được giới thiệu đến một gói giáo dục giá rẻ, thật sự rất rẻ.
Tuấn Khanh
Theo SGTT

HDTG Blog

Cảm ơn bạn đã ghé thăm.

0 nhận xét:

BÀI ĐĂNG PHỔ BIẾN