Kê ghế tựa nghe EVN kêu lỗ

Không thấy có sự thắc mắc vì sao người tiêu dùng phải gánh cả những khoản lỗ do “diễn biến thủy văn không thuận lợi”.
Chẳng cần phải là chuyên gia kinh tế xuất sắc hay nhà báo lão luyện cũng có thể đoán đúng 3 điều đã trở thành “tiền lệ”, trước mỗi cuộc họp báo của Bộ Công thương liên quan đến điện. Thứ nhất: EVN đang lỗ. Thứ hai: Lỗ do giá điện thấp “so với khu vực và thế giới”. Thứ ba: EVN đòi tăng giá.
Thực ra, EVN có lãi trong năm 2012. Tuy lãi nhưng phải bù lỗ hai năm trước. Tuy (đã) tăng giá điện, nhưng chỉ đù bù những khoản vay đến hạn phải trả, thậm chí chưa thể hạch toán vào phần lỗ tỷ giá trên 26,6 ngàn tỷ. Nên tóm lại, vẫn lỗ. Và số lỗ là 5.297 tỷ đồng.
Số lỗ năm nay, về hình thức, đã được kiểm tra bởi một tổ công tác có sự tham gia của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Hội Bảo vệ người tiêu dùng. Phó Chủ tịch Hội tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng, ông Đỗ Gia Phan thậm chí cũng có phát biểu, rằng: Giá thành điện hiện nay bao gồm cả chi phí thuộc về chính sách của Nhà nước như cải tạo lưới điện nông thôn, bù giá cho vùng sâu vùng xa…là chưa hợp lý.
Tuy nhiên, có một chi tiết khá độc được tờ Thời báo kinh tế Việt Nam nhắc đến. Đó là khi trả lời câu hỏi về cơ cấu cũng như giá thành mỗi nguồn điện của EVN, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực Đặng Huy Cường nói gọn lỏn: Số liệu này mang tính bí mật kinh doanh của doanh nghiệp, nên không thể công bố”, và “Tổ công tác chỉ kiểm tra tính hợp lý của các hợp đồng này mà thôi”.
Không thấy có nhà báo nào hỏi về chuyện thưởng tết năm nay của ngành điện khi từng có tiền lệ EVN xin thưởng hơn 1000 tỷ đồng trong một năm tài khóa lỗ chỏng gọng. Cũng không thấy có sự thắc mắc vì sao người tiêu dùng phải gánh cả những khoản lỗ do “diễn biến thủy văn không thuận lợi”.
Nhưng nói gì thì nói, với số lỗ hơn 5.000 tỷ, còn có thể dự báo trước là giá điện sẽ tăng ngay đầu năm 2013, và tất nhiên, tăng không đến mức như đề xuất, để một vị quan chức nào đó có thể khẳng định rằng: Như thế “đã là chia sẻ với DN rồi”.
Cũng trong ngày 3.12, tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2012, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh, trước những lời than vãn tập thể của cộng đồng DN đã thiết tha “Chính phủ luôn quan tâm đến doanh nghiệp, coi khó khăn của doanh nghiệp, nhà đầu tư là của mình”. Trong thông điệp gửi đến cộng đồng DN và các nhà đầu tư, ông cam kết: “Sẽ hạn chế tăng chi phí cho doanh nghiệp, cả thuế và phí”.
Nhưng lời cam kết được đưa ra hơi trễ, bởi 48h trước đó, thông tư về phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện đã được ban hành trong tiếng kêu la thống thiết của các DN vận tải.
Bởi cũng trong ngày 3.12, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Minh khẳng định: Mức thu “đã chia sẻ với doanh nghiệp, phù hợp với tình hình hiện nay”.
Các DN, có lẽ sẽ phải ngồi thật vững khi nghe câu này: “Liên bộ Công Thương- Tài chính đang rà soát để trình Chính phủ lộ trình điều chỉnh giá điện trong tháng 12”.
Hình như với mỗi 56 đồng lỗ/kWh. Chữ “điều chỉnh” có nghĩa là tăng thì phải.
Và đây không phải chỉ là lời kêu than của DN, bởi dường như chi phí DN tăng khi giá điện tăng đều được tính vào giá thành sản phẩm để bổ đầu người tiêu dùng thì phải.
Đào Tuấn

HDTG Blog

Cảm ơn bạn đã ghé thăm.

0 nhận xét:

BÀI ĐĂNG PHỔ BIẾN