Kế thừa và thừa kế


Chuyện “cha và con” đang sôi nổi chỉ do một sự kiện được tung lên báo chí. Một ông trưởng phòng cấp sở 32 tuổi bỗng dưng “nổi tiếng” do bỏ ra một khoản tiền “khủng” xây một phủ đệ giữa cánh đồng Ninh Giang (Hải Dương). Chúng ta khuyến khích làm giàu, tôn trọng quyền tư hữu. Vậy thì một quan nhỏ xây cái nhà to, thậm chí một cung điện đi nữa thì có gì mà bàn cãi. Mọi ngõ đều đã đủ luật, cứ theo luật mà thanh tra tiền bẩn hay tiền sạch. Và nghe đâu người ta đang làm.
Nhưng người dân và dư luận (cả trong hành lang Quốc hội đang họp) cứ không chịu yên mà xôn xao là vì sao? Có lẽ do chủ nhân là con trai ông bí thư tỉnh và cũng là đại biểu QH đương nhiệm. Con trai ông đi qua vườn dưa mà cúi xuống sửa dép, dù vô tình cũng bị nghi. Và ông bí thư Hải Dương tuy rất bình tĩnh mời báo chí vào cuộc tìm hiểu trắng đen nhưng chắc cũng khó ngủ. Sự kiện làm chúng ta liên tưởng đến chuyện cha và con, “kế thừa và thừa kế” trong thời đại ngày nay.
Chúng ta nhiều khi vẫn nhầm lẫn do định kiến về thời phong kiến. Nên nhớ rằng, chỉ có con vua được chọn kỹ mới được làm vua, còn con cái các quan chỉ được “tập ấm”, hưởng tô tức điền trang được vua ban công khai kèm cái chức danh hờ, chứ “tập ấm” hay “ấm phong” không có nghĩa được chấp chính thay cha. Chọn quan to nhỏ ngày xưa vẫn chủ yếu dựa vào thành tích, thi cử nghiêm nhặt, hoặc được tiến cử. Con vua thì lại làm vua, nhưng con quan thì chưa chắc làm quan, còn tùy khả năng. Tất nhiên cũng có tệ mua quan bán chức, nhưng thi cử thì không hề được châm chước. Nghiêm đến mức Nguyễn Công Trứ chỉ lấy muội đèn chữa hộ một chữ mà phải đi đày.
Đương nhiên, từ thời Dân chủ cộng hòa đến xã hội chủ nghĩa ngày nay, không có điều luật nào cho phép thế tập, kể cả “tập ấm” là cái danh hiệu lèo. Thế nhưng, văn hóa “làm quan cả họ được nhờ” hoặc “cả họ phải được nhờ” (lời GS Trần Quốc Vượng), tôi muốn nói thêm “cả gánh cả cạ được nhờ”, nó cứ ám ảnh “một số không nhỏ”, nếu không nói là quá nhiều người làm quan. Người ta dùng đủ trăm mưu nghìn kế để đưa được cậu ấm họ hàng, đồng hương hay “nhóm viên” vào guồng mà không căn cứ công trạng, thi cử, hay đề cử dân chủ nghiêm túc. “Nghiêm túc” thì thiếu nhưng “quy trình”, kể cả “bằng cấp” thì thừa, chỉ không có thực chất mà thôi.
Nhưng không chỉ chuyện kế thừa “tập ấm”. Khi có chủ trương kê khai tài sản, và cả trước đó nữa, nhiều ông quan đã chuyển hết của nả quan trọng cho người “thừa kế”. Vì chỉ “chuyển hờ” nhờ đứng tên giùm nên số người thừa kế này được mở rộng bao la: con, cháu nội ngoại, bạn bè cùng cánh và có thể cả bồ nhí. Dân hoan nghênh việc kê khai của cán bộ nhưng lại không tin khi biết có nhiều người có bản kê “vô sản” nhưng của cải khổng lồ. Chỉ đến khi con hư, bị phản thùng, bị lật kèo mới đau như bị hoạn, “méo mặt ngậm cười” ca câu bắc thang lên hỏi ông trời.
Kiểu “thừa kế sống” ấy đã phản lại nguyên tắc “kế thừa truyền thống” mà chúng ta vẫn dạy dỗ nhau hàng ngày. Thay vì để lại cho con cháu niềm tự hào dân tộc, trung hậu, hy sinh và đạo đức ngay thẳng vốn là gia sản vô giá của lịch sử, của cha ông và gia đình, “một số không nhỏ” chỉ biết để lại cho chúng những cái ghế vừa nóng vừa nhục do ngồi nhầm chỗ, nhà đất, vàng bạc và những đồng tiền không mấy sạch sẽ.
Có thể vẫn có người nói: không có của để cho con nên nói túng, triết lý con tiều. Nhưng những người tử tế, biết kỳ vọng vào tương lai, biết coi “linh hồn nặng gấp ngàn lần thể xác”, chắc không bao giờ dại dột đẩy con cháu mình vào thế trận suy đồi đạo đức khó gỡ ấy.
Nguyễn Quang Thân
Theo PNO

HDTG Blog

Cảm ơn bạn đã ghé thăm.

0 nhận xét:

BÀI ĐĂNG PHỔ BIẾN